Bệnh nhân suy tim nên có chế độ ăn uống như thế nào

Mr Ti

Suy tim là bệnh lý nguy hiểm, nếu không điều trị đúng cách có thể dẫn đến suy tim mức độ nặng thậm chí là các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Tập 28 chương trình Vui khỏe đẹp mỗi ngày vừa lên sóng trên kênh THVL1. MC Ngọc Nhi làm nhiệm vụ kết nối với chuyên gia là Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Hoàng Minh, Khoa Tim Mạch – Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM. Chương trình tuần này sẽ giúp khán giả có thêm kiến thức căn bệnh suy tim nguy hiểm.

Trong tình huống tuần này, người vợ bị suy tim nhưng vì cảm thấy bản thân không còn mệt mỏi nữa nên đã không uống thuốc theo bác sĩ chỉ định. Thậm chí khi người con đề nghị đưa mẹ đi khám bệnh để kịp theo dõi sát bệnh của mẹ thì cả hai vợ chồng đều từ chối vì cho rằng đã hết bệnh. Không cùng quan điểm với nhau, người con trai quyết định nhờ đến sự tư vấn của chuyên gia.

Là chuyên gia xuất hiện trong chương trình tuần này, Bác sĩ Trần Thị Hoàng Minh cho biết: “Suy tim là hậu quả của nhiều bệnh lý tim mạch, suy tim có ảnh hưởng nhiều đến chức năng của cơ tim bao gây rối loạn chức năng co bóp. Khi tim không chứa máu được gọi là suy tim tâm trương, và khi không co bóp được gọi là suy tim tâm thu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống”.

Theo bác sĩ, suy tim nguy hiểm và có nhiều ảnh hưởng như: Cơ thể mệt mỏi, da xanh tái, ngất xỉu thường xuyên; Không đảm bảo sức khỏe khi làm việc khiến hiệu quả công việc giảm sút; Làm ngắn đi tuổi thọ bệnh nhân; Điều trị không hiệu quả sẽ gây biến chứng như ngưng tim, nhồi máu cơ tim và tử vong; Ngoài ra suy tim còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như suy gan, suy thận, phù phổi,…

Bác sĩ cho biết: “Theo nguyên lý bệnh học có thể phân làm ba loại suy tim: Suy tim trái thường do tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, bệnh lý tim bẩm sinh hay rối loạn nhịp tim với triệu chứng như khó thở (đặc biệt là khó thở về đêm), khó thở khi gắng sức; Suy tim phải thường do tăng áp lực động mạch phổi, viêm phổi, bệnh COPD, suy tim trái tiến triển, hẹp van 2 lá với các triệu chứng như khó thở kèm theo phù, gan to, tĩnh mạch cổ nổi; Suy tim toàn bộ là kết quả cuối cùng của suy tim trái và suy tim phải (thường do suy tim trái gây ra) với các triệu chứng thường gặp như khó thở mức độ nặng, phù, tiểu ít, gan to và tĩnh mạch cổ nổi”.

Theo bác sĩ Trần Thị Hoàng Minh, mục đích của việc điều trị suy tim là làm chậm sự tiến triển của bệnh, giảm tỷ lệ tử vong, nhập viện và tăng chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chuyên gia cho biết, bệnh nhân suy tim sẽ được điều trị triệu chứng bằng cách dùng thuốc trợ tim, hỗ trợ hô hấp, lợi tiểu, giãn tĩnh mạch máu. Đồng thời điều trị nguyên nhân như khi bị hẹp van động mạch cần được thông tim để nong van động mạch; bệnh mạch vành cần đặt stent hoặc phẫu thuật bắt cầu mạch vành; bệnh tim bẩm sinh cần phẫu thuật sửa chữa dị tật tim; Và bệnh nhân tăng huyết áp cần kiểm soát tốt huyết áp của mình.

Chuyên gia nhấn mạnh, để giúp điều trị suy tim tốt và giảm nguy cơ nhập viện hiệu quả, bệnh nhân cần: Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ; kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ làm trầm trọng suy tim như hạn chế thuốc lá, uống rượu bia, kiểm soát đường huyết, lipid máu, huyết áp, giữ cân nặng để hạn chế béo phì, ngủ đủ giấc và tránh căng thẳng; Có chế độ tập luyện phù hợp như giảm muối, bổ sung Kali (thịt lợn nạc, đỗ các loại, bông cải xanh, bơ, nho, chuối,…), Ăn ít mỡ động vật, thay thế bằng dầu thực vật, Hạn chế thức ăn chế biến sẵn, đóng hộp; Đồng thời phải thường xuyên đi bộ nhẹ nhàng tại chỗ, ở cấp độ suy tim nhẹ hơn có thể đi bộ nhiều hơn với khoảng cách phù hợp thể trạng.

Đón xem chương trình Vui khỏe đẹp mỗi ngày phát sóng lúc 16h thứ 2 hàng tuần trên kênh THVL1, được đồng hành bởi công ty TNHH Novartis Việt Nam cùng hệ thống nhà thuốc Trung Sơn – Trung Sơn Pharma. Chương trình do Công ty Truyền Thông Bee phối hợp với Đài Truyền hình Vĩnh Long thực hiện.