Suốt 33 năm dài bước đi trên đôi chân khuyết tật, người phụ nữ quê An Giang còn nhiều lo toan vì cha và em trai đều mắc bệnh hiểm nghèo, mẹ thì tuổi già sức yếu. Dẫu rằng, tương lai vẫn còn nhiều thử thách nhưng người thợ may khuyết tật vẫn giữ cho mình lửa ý chí vững vàng, luôn hy vọng vào ngày mai tươi sáng hơn.
Hành trình Thần tài gõ cửa tuần này, ông Thần tài Đình Toàn tái ngộ vợ Thổ địa huyện Chợ Mới với tình huống mua vải – bán rau dở khóc đở cười. Sau cùng, Thần tài được bà Thổ địa dẫn đến tận nhà chị Nguyễn Thị Tho (1985) ngụ ấp Thị 1, xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang để lắng nghe những chia sẻ của chị về bước đường mưu sinh đầy gian khó.
Chị Tho sinh ra trong một gia đình khó khăn, cha mẹ chị sinh sống chủ yếu bằng nghề làm thuê làm mướn. Năm 4 tuổi, chị chẳng may phát bệnh sốt bại liệt, suốt những năm tháng tuổi thơ chị phải làm quen với đôi chân khuyết tật và những bước di chuyển nặng nề trên đôi nạng gỗ. Không nản lòng, chị Tho quyết định bỏ nạng và tập đi bằng chân. Chị bộc bạch: “Hồi mới bỏ nạng đi cũng khó khăn lắm, nhưng tôi không muốn phụ thuộc vào nạng, tôi muốn tự bước đi trên đôi chân mình.”
Không chỉ thế, em trai chị Tho – anh Nguyễn Chí Hải mắc bệnh bại não khi vừa mới chào đời. Hiện nay, anh Hải chỉ có thể nằm 1 chỗ nên mọi sinh hoạt hằng ngày đều phải có người kề bên săn sóc. Cảnh nhà chật vật, nên chị Tho quyết tâm học hành hy vọng con chữ có thể giúp chị vượt lên nghịch cảnh. Chị cố gắng hoàn thành chương trình Trung học Phổ thông và nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo.
Vậy mà, một lần nữa biến cố lại xảy đến khi cha chị Tho – ông Nguyễn Hữu Phước, bất ngờ phát bệnh tai biến, liệt nửa người và mất hoàn toàn khả năng trụ cột. Trong nhà chỉ còn mẹ chị là bà Nguyễn Thị Bích gánh vác gia đình với nghề bán rau cải ở vỉa hè chợ Hội An. Thương mẹ tất tả ngày đêm nên chị quyết định gác lại ước mơ học hành để học nghề may, đỡ đần cho mẹ. Đôi chân khiếm khuyết nhưng bù lại chị Tho có đôi bàn tay khéo léo và khả năng học hỏi rất nhanh. Hơn 12 năm trước, hàng xóm gần nhà chị mở tiệm may và nhận dạy nghề cho học viên nên mỗi ngày, chị đều sang chơi và sớm bộc lộ tài năng may vá. Bà Bích chia sẻ: “Tho qua nhà thiếm út thấy mấy bạn học may nên nó thích lắm. Nó về nhà lấy bộ đồ cũ của tôi rồi cắt và may tay thành một bộ đồ con nít. May xong rồi sợ mẹ la nên giấu trong tủ, tình cờ tôi phát hiện. Thương con ham học nên tôi cho cháu theo học nghề may.”
Từ khi bén duyên với mũi chỉ đường kim, chị Tho đã có hơn 10 năm gắn bó và trở thành người thợ lành nghề, được bà con hàng xóm hết lòng ủng hộ. Trong căn nhà nhỏ, góc may của chị gắn chặt với chái bếp nghi ngút khói và giường bệnh của em trai, như thể ước mơ phát triển tiệm may bị ghì chặt bởi khó nghèo, túng quẩn. Dù luôn mơ ước có một tiệm may khang trang hơn nhưng với hoàn cảnh gia đình hiện tại, chị Tho chỉ biết chăm chỉ vá may và hy vọng ước mơ sẽ thành hiện thực.
Cũng bởi tính tình hiền lành, chịu khó nên người phụ nữ khuyết tật đã khiến người đàn ông trong làng ngỏ lời gắn kết yêu thương. Trước lúc nhận lời làm vợ anh Nguyễn Văn Tâm Anh, chị Tho cũng nhiều lần tủi thân vì số phận. Thế nhưng bằng tất cả sự yêu thương và lòng bao dung, anh Tâm Anh đã thuyết phục chị Tho vững tâm xây dựng gia đình. Hạnh phúc trọn vẹn hơn khi anh chị đón cháu Tường Vy chào đời khỏe mạnh. Hiện tại, Tường Vy đã học lớp 5, cháu luôn đạt thành tích học sinh giỏi trong những năm tiểu học và là niềm hy vọng lớn nhất của gia đình.
Trước đây anh Tâm Anh có nghề phụ hồ, nhưng do căn bệnh sỏi thận hoành hành nên anh không thể tiếp tục làm những công việc nặng nhọc lâu dài. Nhưng anh vẫn rong ruổi nhiều hơn trên những cành đồng làm thuê làm mướn để vợ yên tâm may vá và con gái có điều kiện học hành. Không ai thuê mướn, anh phụ mẹ vợ bán rau cải ngoài chợ để kiếm thêm thu nhập trang trải trong ngoài. Và hy vọng lớn nhất của anh Tâm lúc này, chính là cố gắng làm việc để mở cho vợ một tiệm may tươm tất hơn trong tương lai.
Gia đình chị Tho vẫn còn đó những khó khăn thế nhưng từng thành viên vẫn cùng nhau cố gắng, người mạnh lành siêng năng cần cù để chăm lo cho người bệnh tật. Và hơn hết, chính là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của người thợ may khuyết tật, chị Tho, luôn tin tưởng vào nghề may và kiên trì hết mình vì nó.
Chương trình Thần tài gõ cửa, phát sóng lúc 19h10, Chủ Nhật hàng tuần trên kênh THVL1 và phát lại lúc 16h30 thứ Ba ngày 11/10/2022 trên kênh THVL2.