Hiện nay, người lớn tuổi bị chứng rối loạn tiểu tiện có thể sử dụng tã quần để tự tin hơn trong các hoạt động hằng ngày, không còn nỗi lo tiểu gấp, tiểu són gây ảnh hưởng tâm lý.
Tập 2 chương trình Hỏi bác sĩ chuyên khoa vừa lên sóng trên kênh HTV7 với chủ đề “Khắc phục nỗi lo hạn chế giao tiếp do rối loạn tiểu tiện ở người cao tuổi”. MC Ngọc Nhi làm nhiệm vụ kết nối với chuyên gia là Tiến sĩ – Bác sĩ Trần Thanh Phong, Phó khoa Ngoại niệu – Bệnh viện Nhân Dân 115 – TP.HCM đưa ra những lời khuyên hợp lý cho khán giả.
Trong tình huống tuần này, người phụ nữ mắc chứng rối loạn tiểu tiện và thường xuyên bị tiểu són, tiểu gấp nên chỉ muốn ở nhà, ngại giao tiếp. Dù cô con gái đã nhiều lần khuyên mẹ hãy thường xuyên ra ngoài, tiếp xúc với mọi người để tinh thần thoải mái nhưng người mẹ không đồng ý. Lúc này, người hàng xóm đến chơi và rủ người mẹ cùng đi chơi, đi khiêu vũ nhưng bị từ chối. Biết chuyện, người bạn mới cho biết là mình có biện pháp giải quyết chứng tiểu són vì mình cũng mắc chứng rối loạn tiểu tiện này. Để người mẹ tin tưởng hơn nên người hàng xóm đã đề nghị tìm đến chuyên gia tư vấn rõ hơn.
Là chuyên gia xuất hiện trong tuần này, bác sĩ Trần Thanh Phong cho biết: “Tiểu són, tiểu gấp, tiểu nhiều lần là các rối loạn tiểu tiện rất thường gặp ở cả nam lẫn nữ. Tuy nhiên tỷ lệ nữ giới bị rối loạn tiểu tiện chiếm nhiều hơn nam giới, đặc biệt là ở người lớn tuổi”. Theo bác sĩ, nguyên nhân gây rối loạn tiểu tiện ở nữ giới cao tuổi nhiều hơn là do: Ảnh hưởng từ quá trình mang thai và sinh con; Do suy giảm hormone sinh dục nữ estrogen làm ảnh hưởng trương lực cơ sàn chậu; Do ảnh hưởng từ các bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, bệnh thần kinh; Hoặc do sử dụng các thuốc lợi tiểu, hay do ảnh hưởng tâm lý, chế độ dinh dưỡng.
Bác sĩ nói thêm, người bệnh đi tiểu nhiều lần, tiểu đêm thường sẽ không thể tập trung vào việc khác, ngại tiếp xúc với mọi người và luôn trong trạng thái lo lắng, tự ti sợ không đi tiểu kịp sẽ són ra quần. Tiểu đêm nhiều gây mất ngủ, làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, ảnh hưởng tâm lý khiến người bệnh đối diện nguy cơ trầm cảm.
Bác sĩ Trần Thanh Phong cho biết, trường hợp người bệnh không thể kiểm soát tiểu tiện có thể sử dụng tã quần. “Lợi ích của giải pháp mặc tã quần như: Hạn chế thức dậy nhiều lần vào ban đêm, ngủ ngon hơn; Hòa nhập với cuộc sống tốt hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống; Người bệnh có thể chủ động chăm sóc bản thân, tự mặc tã quần dễ dàng”, chuyên gia nói thêm.
Theo bác sĩ, hiện nay tã giấy được thiết kế với nhiều ưu điểm phù hợp cho người lớn tuổi thuận lợi tham gia các hoạt động xã hội. Lưu ý khi lựa chọn tã quần cho người cao tuổi tự chủ đi lại được như: Chọn tã có độ mỏng thoáng không gây hầm bí (khoảng 5mm), nên chọn tã có độ thấm hút tốt chống tràn biên, nên chọn tã dễ tự mặc và có kích thước phù hợp.
Chương trình Hỏi bác sĩ chuyên khoa được phát vào chủ nhật hàng tuần trên kênh HTV7, được đồng hành bởi nhãn hàng Caryn của công ty cổ phần Diana Unicharm. Chương trình do Công ty Truyền thông Bee phối hợp với Đài truyền hình TP.HCM thực hiện.