Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Chào hỏi nơi công sở, Phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ, Chi tiêu hợp lý cho sức khỏe.
Lời chào trở thành nét đẹp văn hóa trong giao tiếp của người Việt Nam, trong môi trường công sở, lời chào khi chúng ta bước vào nơi làm việc không chỉ là một hành động lịch sự mà còn tạo ra một không khí thoải mái hòa nhã trong môi trường làm việc. Đặc biệt lời chào còn giúp người khác có cái nhìn thiện cảm hơn.\
Anh Đào Nguyễn Duy Hưng (Công ty Adsplus, TP.HCM), cho biết: “Theo tôi, việc chào hỏi trong môi trường công sở không chỉ tạo ra sự gắn kết và gần gũi giữa các thành viên, mà còn thúc đẩy tinh thần đồng đội và động viên nhau để đạt được mục tiêu công việc đã đề ra”.
Có thể vì tính cách hướng nội ít nói, áp lực công việc hoặc ngại giao tiếp, nhiều người quên đi việc chào hỏi. Điều này có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ và giao tiếp trong công việc, dẫn đến sự cô đơn và hiểu lầm không cần thiết giữa bạn bè và đồng nghiệp.
Chị Võ Thị Thảo Vi (Giám đốc công ty Adsplus, TP.HCM), cho biết: “Việc hạn chế giao tiếp và thiếu sự cởi mở trong môi trường doanh nghiệp có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cả công việc cá nhân và công việc nhóm. Điều này có thể dẫn đến hiểu lầm, việc không hoàn thành deadline đúng hạn và hạn chế trong việc phối hợp làm việc. Ngoài ra, sự hiểu lầm và mâu thuẫn cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần làm việc và sự sáng tạo, từ đó giảm năng suất lao động và khả năng đổi mới trong công việc”.
ThS Trần Hương Thảo, chuyên gia tâm lý, cho biết: “Việc lựa chọn từ ngữ phù hợp và thể hiện thái độ tích cực thông qua cử chỉ, nụ cười hay lễ phép có thể tạo ra sự kết nối và thiện cảm từ người khác. Không nên ngần ngại trong việc chào hỏi vì có nhiều cách khác nhau để thể hiện sự quan tâm và tạo ra mối liên kết. Nếu gặp phải phản hồi không lịch sự hoặc thiếu chuẩn mực, mình có thể góp ý một cách tôn trọng và đối phương thường sẽ tự nhận ra và điều chỉnh hành vi của mình một cách tự nhiên”.
Việc chào hỏi là một phần của văn hóa ứng xử, cần được nuôi dưỡng từ nhỏ thông qua việc gia đình và nhà trường dạy dỗ. Kỹ năng này không chỉ giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội, mà còn giúp họ kết bạn và tương tác với thế giới xung quanh. Khi đi làm, chúng ta cần hiểu rõ giá trị và tầm quan trọng của việc chào hỏi để thể hiện ứng xử đúng mực và góp phần vào sự phát triển chung ở nơi làm việc cũng như thành công cá nhân.