Biết John Phạm không cha mẹ, có tuổi thơ thiếu thốn tình cảm nên Châu Tuấn mủi lòng và muốn bù đắp cho anh.
– Hơn 5 năm sau đám cưới, cuộc sống của anh và bạn đời đồng giới – anh John Phạm – thế nào?
– Chúng tôi tổ chức hôn lễ năm 2016, nhưng trước đó, cả hai đã đi cùng nhau 15 năm. Tính đến nay, chúng tôi làm vợ chồng 20 năm rồi. Như nhiều gia đình khác, hai đứa có khúc mắc nhưng chỉ lăn tăn như những đợt sóng nhỏ. Cả hai đều hiểu đạo Phật, John lại là người bạn đời tử tế, tình cảm nên tôi rất trân trọng.
– Cảm xúc của anh thế nào khi hôn nhân được công nhận sau 15 năm sống chung?
– Tất nhiên trở thành vợ chồng trên giấy tờ cũng tốt nhưng quan trọng nhất vẫn là cách sống. Người ta chỉ cần tấm lòng của mình thôi. Sự chắc chắn trên giấy tờ cũng không thể đảm bảo nếu tình cảm thay đổi.
Nhưng tôi hãnh diện vì có đám cưới. Lúc đó, Mỹ vừa cho phép tổ chức hôn lễ đồng tính là chúng tôi làm ngay. Đám cưới đãi lớn lắm, hội đủ nghệ sĩ nổi tiếng ở hải ngoại. Ban đầu, chúng tôi muốn mời 1.000 khách nhưng nhà hàng chứa không đủ. Sau đó, rút xuống 400 khách nhưng vẫn có 100-200 khách đến mà không cần thiệp mời.
Nhà hàng Mỹ chỉ cho chơi nhạc nhẹ nhưng thấy chúng tôi toàn người nổi tiếng nên phá lệ được đánh nhạc mạnh. Mọi người giành nhau lên sân khấu hát đến muộn. Rượu mở rất nhiều và ăn uống thoải mái. Tôi chẳng màng bạn bè tặng cái gì, chỉ thấy họ đến là mừng rồi. Đám cưới của tôi chắc lớn nhất cộng đồng người Việt ở California thời đó. Có lẽ, do ai cũng thương tôi và John.
– Bí quyết nào giúp anh giữ hôn nhân êm ấm suốt hai thập kỷ?
– Tôi sống với ai cũng bằng tấm lòng chân thật. Khi tiền bạc, danh tiếng không còn thì chỉ tình cảm là ở lại. Quanh tôi cũng nhiều người tốt, cho tôi bài học để lúc không sáng suốt thì mình nghĩ lại. Và nhờ giác ngộ đạo, chúng tôi coi thường những cám dỗ xung quanh, chỉ tập trung vào người thân của mình.
Tôi và John tương trợ nhau, có sự phân công vai trò để cùng chăm lo cuộc sống. Hiện tại anh ấy đi làm, tôi ở nhà nấu ăn và dọn dẹp. Cuối tuần, tôi tập nhạc hoặc đi diễn, John chở tôi đi. Chúng tôi hòa hợp, đồng điệu nhiều mặt trong hôn nhân.
– Sự thấu hiểu và đồng điệu ấy theo anh đến từ đâu?
– Chúng tôi đồng cảm từ lần đầu gặp nhau. Lúc mới biết John, tôi chọn anh ấy ngay vì biết hoàn cảnh mồ côi, tự nhiên trong lòng tôi thấy thương người này và muốn bù đắp cho người ta về sau. John từ nhỏ không có cha mẹ, được nhiều người chuyền tay cưu mang. Dù tuổi thơ thiếu thốn tình cảm, anh ấy không sống lạnh nhạt, ngược lại biết chăm sóc những người có ơn với mình.
John ở Việt Nam thuở nhỏ rồi theo bà ngoại nuôi sang Mỹ. Khi bà mất, mỗi người nhận chăm John “một khúc” nên người thương anh ấy trải khắp nước Mỹ. John tốt, được người ta quý dù không cùng máu mủ. Tôi cảm nhận được điều đó nên cũng yêu anh ấy thật lòng.
Cũng thời điểm này, tôi nổi tiếng khắp cộng đồng người Việt ở California nhưng John không hề biết điều đó. Mối quan hệ của hai đứa đi lên bằng tình cảm chân thật, không bị chi phối bởi sự hào nhoáng.
– Anh đã làm thế nào để bù đắp cho bạn đời?
– Tôi dành cho John tình cảm thật. Đó là quan trọng nhất. Điều khiến John hạnh phúc nữa là tôi cùng anh ấy thực hiện những gì ấp ủ. Bình thường, tôi đi diễn nhưng ngày lễ sẽ không nhận show mà cùng John đến nhà những người anh ấy chịu ơn. John có bố mẹ nuôi, mấy người anh em nuôi ở đây. Chúng tôi qua thăm họ rồi ở chơi vài ngày. Tôi biết John rất thích điều đó nên chiều theo anh ấy.
John ước mơ về Việt Nam tìm mẹ, tôi ủng hộ. Tôi còn động viên anh tham gia chương trình tìm người thân trên đài của người Việt ở Mỹ. Hôm đó, tôi chở John đến đài phỏng vấn và làm nhiều thứ. Nhưng rất tiếc, chúng tôi chưa tìm được mẹ cho John.
– Anh hết lòng xoa dịu những thiệt thòi trong quá khứ của bạn đời, còn anh John Phạm chọn cách nào để bày tỏ tình cảm với anh?
– Tôi hạnh phúc khi được làm nghệ thuật đến hôm nay. Điều này là nhờ gia đình tôi đứng phía sau. Nghệ sĩ ở Mỹ đều có thêm nghề khác để trang trải cuộc sống. Nhưng John thương tôi nên không cho làm gì cả. John là quản lý nên kiếm rất khá. Nhờ anh ấy lo kinh tế, tôi thoải mái đi hát.
Nhưng cuộc đời mà, có đi có lại. John cho tôi cái này thì tôi làm cho anh điều khác. Chúng tôi sống với nhau bằng tình yêu và tình người. Không ai mặc cảm hay tự ti trước ai cả. Người hiểu đạo là như vậy.
– Những đạo lý nào anh hay áp dụng vào tình yêu và hôn nhân của mình?
– Tin vào định mệnh và duyên số sắp đặt. Những chuyện trước kia là bài học nên không tiếc nuối, không hận thù. Tôi trân trọng những người đi cùng mình một đoạn đường còn chặng về sau cũng không biết sẽ đến đâu. Vì thế dù có xảy ra chuyện gì, tôi và John đều vui vẻ.
Dịch Covid-19 dạy tôi trân trọng người kế bên và sống hạnh phúc nhất có thể. Chúng tôi luôn tự nhủ phải có duyên, hiểu và thương nhau nhiều lắm mới đi cùng nhau lâu đến vậy.
– Hơn 20 năm qua, cuộc sống gia đình anh bình lặng. Anh nghĩ sao nếu ngôi nhà rộn ràng hơn nhờ tiếng con trẻ?
– John không thích có con. Người mà John muốn chăm sóc là những người anh từng chịu ơn như cha mẹ, anh chị nuôi… Vậy nên, chúng tôi chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện con cái. Cứ vui vẻ sống vậy thôi. Bây giờ hai đứa muốn làm thật nhiều tiền để lo cho gia đình, báo hiếu những người có ơn với John. Nguyện vọng ấy lớn lắm nên chẳng còn quan tâm những chuyện khác.
Theo Ngoisao