Từ ngày 29/04/2023 – 01/05/2023, Liên hoan văn hóa nghệ thuật dân gian Việt Nam lần 2 – 2023 sẽ diễn ra tại Khu vực đi bộ đường Nguyễn Huệ (Quận 1, TPHCM).
Đây là hoạt động được tổ chức với mong muốn bảo tồn và gìn giữ văn hoá nghệ thuật dân gian của dân tộc, đồng thời làm giàu thêm kiến thức về văn hóa nghệ thuật truyền thống cho giới trẻ.
Đến với không gian của Liên hoan năm nay, khán giả sẽ được tương tác với các nghệ nhân, đồng thời có thể giao lưu và biểu diễn cùng với các nghệ nhân, nghệ sĩ… Đây sẽ là những khoảnh khắc đáng nhớ để với các bạn trẻ ghi lại kỷ niệm của mình cùng văn hoá nghệ thuật dân gian mà mình yêu mến trong thời điểm đầy ý nghĩa của đất nước.
Ông Bùi Xuân Đức, Trưởng phòng Tổ chức lễ và sự kiện Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại họp báo: “Tôi rất vui mừng vì Ban tổ chức đã quyết định chọn con đường khó để đưa văn hóa nghệ thuật dân gian đến gần với giới trẻ”. Theo ông, Ban tổ chức hoàn toàn có thể chọn hướng tiếp cận với những chương trình trẻ trung hơn, gần với xu hướng của xã hội hơn mà cũng vừa dễ dàng hơn trong việc kêu gọi những nguồn lực bên ngoài hỗ trợ thêm. Dẫu vậy, Công ty TNHH Văn Phòng Festival đã chấp nhận vất vả khi quyết tâm giữ gìn những giá trị từ ngàn xưa để lại theo cách chấp nhận thử thách nhiều hơn. Nhưng nhờ vậy, Liên hoan này không những mang thông điệp đầy ý nghĩa đến với giới trẻ mà vừa có thể hòa chung niềm hân hoan của cả nước hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
Bà Lưu Thị Hồng Diễm, biên kịch – tác giả chương trình Lễ Hội – Đại diện đơn vị tổ chức công ty TNHH Văn Phòng Festival, là Công ty Xã hội hoá 100% kinh phí thực hiện chương trình, cho biết: “Chúng tôi rất vui vì trải qua 4 năm, vượt qua đại dịch, chúng ta lại cùng gặp nhau tại đây cho Liên hoan lần 2. Đây cũng chính là niềm mong muốn của riêng tôi, và cũng là của nhiều người, của các ban ngành đoàn thể trong công cuộc bảo tồn và phát huy vốn quý của văn hóa văn nghệ dân gian”. Bà cũng chia sẻ bản thân đã suy nghĩ rất nhiều về nội dung của chương trình. Sự phát triển mạnh về công nghệ đã dẫn đến sự thay đổi lớn trong cách tiếp nhận của giới trẻ và nhiều ý kiến cho rằng cần phải phối hợp những cái mới vào trong văn hóa dân gian để giới trẻ có thể tiếp cận được nhanh chóng và dễ hơn. Tuy nhiên, bà Hồng Diễm nhìn nhận: “Tôi cho rằng giới trẻ cần phải biết rõ gốc gác văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc mà trước hết là Văn Hoá Nghệ Thuật Dân Gian, trước khi tiếp cận những sản phẩm giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Khi giới trẻ vẫn còn chưa rõ nguồn gốc mà đã đưa cái mới vào, tôi sợ rằng họ sẽ tiếp tục hiểu chưa đúng về văn hóa nghệ thuật truyền thống.
Văn hoá nghệ thuật truyền thống bao gồm văn hoá nghệ thuật dân gian và văn hoá nghệ thuật bác học, văn hoá nghệ thuật dân gian là một phần của văn hoá nghệ thuật truyền thống, bao đời nay văn hoá nghệ thuật dân gian và văn hoá nghệ thuật bác học luôn phát triển song song, cũng có những tác phẩm vừa là dân gian vừa là bác học, đôi khi giữa văn hoá nghệ thuật dân gian và văn hoá nghệ thuật bác học có sự giao thoa với nhau”. Tuy nhiên, để phù hợp hơn với thời đại, trong Lễ Khai mạc vẫn sẽ có tiết mục cực kỳ hấp dẫn, ví dụ tiết mục mang tên “Cò lả – Thị Mầu”. Khán giả sẽ thấy được những sự kết hợp rất nhuần nhuyễn giữa mới và cũ, giữa truyền thống và hiện đại, giữa bình dân và bác học… thu hút được nhiều đối tượng khán giả nhưng vẫn giữ được những chất liệu ban sơ nhất của loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian.
Nói về dấu ấn của Liên hoan, Tổng đạo diễn NSND Vương Duy Biên cho biết: “Tất cả diễn xướng dân gian sẽ được thể hiện trên một không gian đậm đà bản sắc, mang đặc trưng của vùng đất mà tác phẩm ấy ra đời”. Đặc biệt, nét đặc sắc về văn hóa truyền thống của ba miền Bắc – Trung – Nam, những giá trị bất biến qua thời gian sẽ được người dân thành phố và du khách trải nghiệm một cách mới mẻ hơn, thông qua các hình ảnh chủ đạo từ những vật dụng quen thuộc gắn bó với dân tộc, quê hương cũng như các chất liệu truyền thống, mộc mạc, giản dị, in đậm trong tâm hồn người Việt. Một số loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian được biểu diễn trong Liên hoan lần này có thể kể đến như Quan Họ, Chầu Văn, Chèo, hát Bài Chòi, múa Bóng Rỗi, Đờn Ca Tài Tử, múa Khmer Nam Bộ, Xoè Thái… Ông chia sẻ thêm: “Điều tâm đắc nhất của tôi là đưa được văn hóa dân gian ra Khu vực đi bộ đường Nguyễn Huệ – trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ đó mà giới trẻ hiện đại ngày nay, bạn bè thế giới đều có thể tiếp cận được với vốn văn hoá đặc sắc của dân tộc ta”. Ông cho rằng những nét dân gian trong không gian hiện đại của Thành phố sẽ tượng trưng cho những thế hệ Việt Nam mai sau: Dù có phát triển, tiến bộ đến đâu cũng không quên hành trang trên vai của mình là những điều đẹp đẽ, thấm đẫm bản sắc dân tộc của ông cha để lại.
Sân khấu miền Bắc sẽ được lấy cảm hứng từ cờ hội và áo tứ thân, người nông dân phơi lụa sau khi nhuộm, những dải lụa trải dài như những dải núi non trùng điệp… Màu nâu là màu chủ đạo của miền Trung, với thuyền thúng và lưới đánh cá là hai vật dụng quen thuộc của người dân vùng biển, nơm cá bằng tre giản dị mộc mạc như những con người miền biển… Miền Nam với đồng lúa xanh rì, sông rạch uốn lượn, cây trái phong phú, đa dạng. Sân khấu miền Nam cũng sẽ có những mái chèo trang trí, những thanh tre kết lại tượng trưng cho sự bền bỉ, thuỷ chung…
Khi được hỏi về các hạng mục trang trí của Liên hoan, bà Hồng Diễm khẳng định: “Tôi rất tự tin vào đơn vị thực hiện phần thiết kế trang trí của Liên hoan năm nay. Chắc chắn đẹp và thể hiện đúng tinh thần Liên hoan là những điều kiện tiên quyết”.
Bên cạnh không gian của các sân khấu, khách tham quan còn có thể trực tiếp tham gia 17 trò chơi dân gian quen thuộc như: Ô Ăn Quan, Nhảy Dây, Lò Cò, Banh Đũa, Cướp Cờ, Kéo Mo Cau, …. Tất cả các khu vực trong Liên hoan đều có phần giới thiệu khái quát bằng tiếng Anh và tiếng Việt, thuận lợi cho các du khách nước ngoài đến để cùng vui chơi và tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa truyền thống Việt Nam.
Lễ hội văn hóa dân gian lần này cũng dành một không gian cho các nhạc cụ dân tộc. Không gian trưng bày được tài trợ bởi Trường Đại Học FPT. Mỗi nhạc cụ sẽ có các sinh viên của trường giới thiệu cho khách tham quan. Không dừng lại ở đó, du khách sẽ còn được đích thân trải nghiệm các nhạc cụ này. Với sự hướng dẫn của các bạn sinh viên, ai cũng có thể tạo ra những âm thanh quen thuộc của những bài hát đang được yêu thích.
Một điểm thú vị khác là ngay đầu cổng vào không gian Liên hoan sẽ có hai bảng check-in dành cho người Việt và du khách quốc tế để mọi người đánh dấu nơi mình đã đến. Người tham gia cũng sẽ được dán nhãn ghi tên mình trên bảng check-in. Đối với khách Việt là bản đồ Việt Nam có Hoàng Sa và Trường Sa bên cạnh, còn khách Quốc tế là bản đồ Thành phố Hồ Chí Minh có gắn cờ Việt Nam và cờ của các Quốc gia trên đó, khách Quốc tế tìm khu vực có lá cờ của Quốc gia mình và check-in vào đó.
Vì thế, Liên hoan cũng mong muốn tăng cường sự đoàn kết, giao lưu văn hóa nghệ thuật dân gian giữa các dân tộc trên cả nước và kết nối nhiều hơn với bạn bè thế giới: “Chúng tôi muốn đưa nghệ thuật dân gian đến gần với công chúng, nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp của cha ông, góp phần giữ gìn cội nguồn dân tộc. Cũng hy vọng qua Liên hoan lần này, du khách quốc tế sẽ có dịp hiểu thêm về những giá trị đầy tự hào của đất nước và con người Việt Nam.” – Tổng đạo diễn NSND Vương Duy Biên chia sẻ thêm.
Liên hoan văn hóa nghệ thuật dân gian lần 2 – 2023 diễn ra trong những ngày cả dân tộc hướng về Giỗ Tổ Hùng Vương cũng là những ngày cả nước mừng ngày 30 tháng 4 Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp để thế hệ trẻ thể hiện tấm lòng thành kính đến các vị Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân mà giữ nước, mang đến một Việt Nam hùng mạnh và đầy bản sắc văn hoá như ngày nay.