Trong chương trình Kính Đa Chiều, đạo diễn Chánh Trực giải thích lý do đạo diễn hay làm việc cùng các diễn viên mà họ yêu thích vì tìm được sự đồng điệu trong cách làm việc. Đôi khi đạo diễn chưa cần nói thì diễn viên đã hiểu ý đạo diễn muốn gì.
Đạo diễn Chánh Trực vốn là gương mặt quen thuộc của giới nghệ sĩ và khán giả khi “cầm trịch” nhiều vở diễn nổi tiếng của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B cũng như loạt bộ phim như Thám Tử Kính Lúp, Tình Công Sở, Hội Bỉm Sữa Vi Diệu,… Nam đạo diễn cũng là người đứng sau nhiều chương trình nổi tiếng như Cặp Đôi Hài Hước, Làng Hài Mở Hội,… Ngoài vai trò đạo diễn, anh còn được nhiều khán giả biết đến với vai trò diễn viên đa “màu sắc”. Từ vai diễn hài hước cho đến phản diện, anh đều để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem.
Với bề dày kinh nghiệm làm nghề, đạo diễn Chánh Trực có những chia sẻ sâu sắc về công việc đạo diễn sân khấu trong chương trình Kính Đa Chiều. Thông qua cuộc trò chuyện, khán giả có cái nhìn toàn diện về vai trò của một đạo diễn sân khấu, người thầm lặng đứng sau ánh đèn sân khấu để cống hiến cho nghệ thuật.
Chia sẻ cùng host Phương Uyên trong chương trình Kính Đa Chiều, đạo diễn Chánh Trực cho biết trước khi vở kịch được đưa lên sân khấu để luyện tập thì đạo diễn phải hoàn thành nhiều công đoạn chuẩn bị. Đầu tiên là phải phân vai cho diễn viên, đây là khâu cực kỳ quan trọng vì ảnh hưởng đến tổng thể tác phẩm.
Sau khi phân vai, đạo diễn sẽ họp với ekip diễn viên và đội ngũ sản xuất để truyền đạt ý định dàn dựng. Theo đạo diễn Chánh Trực, đạo diễn là tác giả thứ hai của tác phẩm, bởi nếu biên kịch là người viết câu chuyện bằng chữ nghĩa thì đạo diễn là người “thổi hồn” cho tác phẩm thêm phần sống động. Đạo diễn có thể biên tập, chỉnh sửa, cắt xén hoặc thêm thắt lời thoại, tình tiết để tăng sự kịch tính và hấp dẫn cho câu chuyện.
Sau đó, đạo diễn bắt đầu công cuộc “phá hoang” khi bước lên sàn tập cùng diễn viên. Theo đạo diễn Chánh Trực, trong quá trình “phá hoang” thì đạo diễn sẽ là người tạo ra “mảng diễn” – các tình huống sự kiện, để diễn viên cài cắm “miếng diễn” dựa trên tài năng của họ.
Việc tổ chức nội dung, tình huống tốt sẽ giúp miếng diễn được “nở hoa”, phát triển theo đúng ý đồ của đạo diễn. Từ đó, vở kịch sẽ gần gũi và gắn kết với khán giả hơn. Đó cũng chính là lý do nghệ thuật sân khấu còn có thuật ngữ dùng để chỉ vai trò của đạo diễn như “tổ chức diễn xuất”.
Theo đạo diễn Chánh Trực, tổ chức diễn xuất là một phần trong việc tổ chức vở diễn. Tổ chức diễn xuất có nghĩa là làm sao để diễn viên hòa nhập vào các sự kiện, tình huống do đạo diễn sắp xếp. Đạo diễn với góc nhìn của một khán giả sẽ quan sát và nhận xét góp ý nhằm “gạn đục khơi trong” để diễn viên có những miếng diễn tốt nhất.
Một yếu tố quan trọng khác chính là sự đồng điệu giữa đạo diễn và diễn viên. Đạo diễn Chánh Trực cho biết sở dĩ có những đạo diễn phim hay đạo diễn sân khấu hay làm việc cùng các diễn viên mà họ yêu thích không phải vì họ có cảm tình mà còn vì cùng suy nghĩ, cùng cách làm việc. Bởi đạo diễn có thể chưa nói thì diễn viên đã hiểu ý và tự điều chỉnh diễn xuất sao cho phù hợp. Khi cả hai bên kết hợp ăn ý thì đạo diễn chỉ cần truyền cảm hứng cho diễn viên.
Trong quá trình dàn dựng, đạo diễn còn phải quan tâm đến yếu tố mise en scene – một thuật ngữ sân khấu chỉ công tác dàn cảnh. Theo nam đạo diễn, dàn cảnh có nghĩa sắp xếp vị trí hành động, sự việc diễn ra làm sao để khán giả có thể cảm nhận được tình huống một cách rõ ràng và sâu sắc nhất.
Đạo diễn Chánh Trực lấy ví dụ trong một chuyện tình tay ba, việc sắp xếp ba nhân vật trên sân khấu phải hợp lý, không chỉ ở vị trí, mà còn ở diễn biến dẫn đến những vị trí đó. Bởi không phải đặt diễn viên vào những vị trí nhất định thì sẽ tạo thành câu chuyện mà phải có những tình tiết dẫn dắt đến các vị trí để tạo sự hợp lý, tự nhiên cho vở kịch.
Cũng theo đạo diễn Chánh Trực, đôi khi đạo diễn và diễn viên xảy ra tranh luận để tìm ra lời thoại, hành động hay tình huống hợp lý. Tuy nhiên, những tranh luận này không dựa trên ý kiến chủ quan mà phải dựa trên tính cách, hoàn cảnh của nhân vật. Từ đó, so sánh đối chiếu với đời sống thực tế để hợp lý hóa tình huống. Song, có những lúc kịch bản trên giấy khác xa khi thực hiện trên sân khấu. Lúc ấy, đạo diễn sẽ là người quyết định thay đổi hoặc giữ nguyên kịch bản dựa trên kinh nghiệm và góc nhìn khách quan.
Đạo diễn Chánh Trực chia sẻ ví dụ về việc điều chỉnh tình huống trong quá trình dựng vở kịch Công lý như mặt trời tại Nhà hát kịch 5B. Trong vở kịch này, anh không chỉ là đạo diễn mà còn là đảm nhận vai diễn Lưu tri huyện. Ban đầu, đạo diễn Chánh Trực phục dựng Lưu tri huyện, một ông tham quan mớm cung, ép cung để phạm nhân đâm nạn nhân.
Tuy nhiên để tăng thêm kịch tính cho câu chuyện, ngoài việc ép cung, thầy của đạo diễn Chánh Trực là NSND Trần Ngọc Giàu gợi ý anh thêm tình tiết Lưu tri huyện cầm tay thủ phạm đâm nạn nhân để đẩy tình huống lên cao trào, làm bật sự tàn ác của Lưu tri huyện. Đạo diễn Chánh Trực chia sẻ: “Lúc đó diễn mà tôi cũng nổi da gà. Bây giờ kể lại, tôi còn cảm giác rùng mình vì đẩy tình huống lên tầng cao mới”. Với vai diễn Lưu tri huyện, đạo diễn Chánh Trực đã đạt huy chương vàng Liên hoan sân khấu toàn quốc 2021. Qua đó, có thể thấy một đạo diễn giỏi không chỉ cần có tầm nhìn mà còn phải lắng nghe và điều chỉnh để tác phẩm thêm gay cấn và ý nghĩa.
Kính Đa Chiều là chương trình talkshow sở hữu format mới lạ và đầy hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng của Kính Đa Chiều sẽ cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều thông qua những cuộc đối thoại sâu sắc, thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc.
Kính Đa Chiều chủ đề tiếp theo Lợi thế của ca sĩ trẻ hôm nay với sự tham gia của host Lê Hoàng và danh ca Ngọc Ánh sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 26/8 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.