Đời Rất Đẹp tập 3 sẽ là câu chuyện rất đời của anh Trần Vũ Bình – người sáng lập Bảo tàng Biệt động Sài Gòn Gia Định.
Mở đầu chương trình, MC Ngọc Lan lấy ra trong chiếc hộp ký ức hai tấm ảnh. Tấm ảnh đầu tiên chụp anh Bình lúc còn là một cậu bé 5-6 tuổi vào ngày giải phóng đất nước. Tấm hình thứ hai chụp ảnh toàn bộ gia đình anh Bình trên một chiếc xe hơi. Anh Vũ Bình xúc động kể lại: “Lúc này ba tôi lái xe chở cả gia đình ra cảng Sài Gòn để đón bà nội đã biền biệt hơn 43 năm. Đó là chuyến tàu thủy thống nhất đầu tiên sum họp 2 miền Nam – Bắc của cái Tết năm 1976”.
Chia sẻ thêm người cha, anh nói: “Sau giải phóng tôi mới được gặp ba. Vì cuộc chiến nên ba tôi bị truy nã. Trong ký ức tuổi thơ của tôi, lâu lắm mới có một người đàn ông về nhà, nhưng tôi chỉ được kêu bằng bác. Má tôi đóng vai vợ bé của ba tôi, chịu mang tiếng là giật chồng người ta, vì lâu lâu ba tôi mới xuất hiện ở nhà một lần. Dân trong xóm dè bỉu, cướp đồ đạc của má tôi, rồi nói là “Mày giật chồng người ta, thì tao giật đồ của mày”. Má tôi uất hận lắm nhưng đêm đêm nằm nhớ lại thì má tôi nói có lẽ mình đóng vai đạt rồi. Người ta tin mình là vợ bé. Má tôi phải giấu thân phận cho ba tôi hoạt động”.
Sau ngày giải phóng, hai ba con anh Bình vẫn chưa dám nhận nhau vì sợ cuộc chiến này vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn. Anh Bình vẫn phải tiếp tục mang thân phận là đứa trẻ không có cha. Đến năm 1977 anh Bình mới được làm giấy khai sinh họ Trần theo họ của cha. Trước đó năm anh em của anh Bình đều mang giấy khai sinh là họ Đặng – họ của mẹ, phần để tên cha là “Vô danh”. Hàng xóm cứ dẻ bỉu: “Mày là con hoang”. Thời đó, anh Bình không dám ra ngoài chơi, đi học về chỉ biết trốn trong hầm.
MC Ngọc Lan đồng cảm khi nghe câu chuyện về tuổi thơ của anh Bình: “Ngoài sự cống hiến và hy sinh của ba anh dành cho Tổ quốc thì mẹ anh cũng là một người hy sinh rất nhiều để cho chồng, cho Tổ quốc và cho các con của mình”.
Tiếp theo chương trình, nữ MC khám phá kỷ vật mà ba anh Bình để lại. Đó là một chiếc đồng hồ được ba anh mang theo sau ngày giải phóng để đánh thức các con dậy đi học. Chiếc đồng hồ đã đồng hành suốt cuộc đời của ba và anh luôn cố gắng gìn giữ để cất trong bảo tàng của người cha
“Khi rảnh rỗi ba tôi hay dẫn tôi đi gặp các đồng đội của ba. Ba mang ơn những người đồng đội nhiều lắm, không có những người đồng đội, nhân dân bao bọc thì ba không sống được đến ngày đất nước toàn thắng, ba nói là phải trả ơn. Không chỉ trả ơn những người phụ che chở hay cầm súng đem xuống hầm cho mình, mà những người chỉ cần im lặng, đó là giúp đỡ mình rồi. Người ta không khai báo mình, không chỉ cho chính quyền thì cố gắng trả ơn họ bằng nhiều cách như giúp đỡ con cái học hành, có công việc”, anh Bình nhớ những lời dặn dò của cha mình.
Khi hoạt động cách mạng, cha anh Bình mang nhiều cái tên khác nhau và núp dưới bóng là một người kỹ sư thiết kế, thầu khoán. Ông là một trong những kỹ sư xây dựng hoàng cung Sihanouk. Ông còn là nhà thầu những công trình lớn của chính quyền Sài Gòn, từ đó ông thâm nhập, vẽ sơ đồ bố trí các phòng rồi chuyển thông tin cho cách mạng. Cha anh Bình còn thắng thầu công trình trang trí nội thất của Dinh Độc Lập, tòa đại sứ quán… Trong vai trò kỹ sư xây dựng, cha anh Bình cung cấp nhiều thông tin mật và làm ra tiền để đóng góp cho cách mạng. “Ba tôi mang tiền về thì mẹ tôi rất buồn, vì khi Mỹ xây dựng nhiều thì cách mạng khó thắng lợi, đất nước khó chấm dứt chiến tranh”, anh Bình nói về một trong những tâm trạng mâu thuẫn vào thời điểm đó của mẹ anh.
Sau khi cha anh Bình mất, anh có ý định phục dựng lại những di tích, cơ sở hoạt động ngày trước của cha anh. Những người hoạt động cách mạng cùng với cha đã chỉ dẫn cho anh Bình rất nhiều tài liệu, hồ sơ, vật dụng… từ đó anh thành lập được bảo tàng mang tên Bảo tàng Biệt động Sài Gòn Gia Định.
Ban đầu khi anh sưu tầm những di tích, cổ vật, nhiều người không không hiểu. Họ cho rằng anh đi mua, đi chuộc những căn nhà này rồi xây dựng cao ốc cao tầng bán kiếm lời, vì thời buổi này khó ai làm chuyện lạ lùng, ngược dòng như vậy.
Số tiền để phục dựng những di tích ban đầu anh Bình đều lấy từ gia đình, thậm chí có lúc anh còn thế chấp căn nhà mình đang ở. Hiện tại anh Bình đã mua và phục dựng trên 10 di tích, trong đó phải kể đến như hầm trú ém quân trên đường Võ Văn Tần, hầm hòm thư bí mật đường Đặng Dung, nhà nghiệp đoàn – cơ sở hoạt động của cha anh, nay là điểm chính của Bảo tàng biệt động Sài Gòn – Gia Định, biệt thự đường Nguyễn Thị Quỳnh – nơi làm ra tất cả những nội thất trang trí của dinh Độc Lập…
Cuối chương trình, MC Ngọc Lan cảm ơn anh Trần Vũ Bình đã lưu giữ những di tích, cổ vật để chia sẻ cho thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử, cội nguồn, trình khám phá những giá trị thiêng liêng và bất diệt.
Tập 3 Đời Rất Đẹp 2024, chủ đề “Người đánh thức ký ức biệt động Sài Gòn” với câu chuyện của anh Trần Vũ Bình sẽ được phát sóng vào lúc 19h15 Thứ Bảy 27/7/2024 trên VTV9. Chương trình Đời Rất Đẹp do VTV9 và Jet Studio phối hợp thực hiện.