Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Giữ vững tinh thần tích cực khi làm việc ở môi trường áp lực; Chuyên nghiệp trong công việc; Người trẻ cần tăng cường ‘đề kháng’ với áp lực.
Làm việc trong môi trường áp lực cao dễ khiến cả tinh thần lẫn thể chất rơi vào trạng thái mệt mỏi. Khi không thể cân bằng cảm xúc, nhiều người rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài, mất động lực, giảm hiệu suất làm việc, thậm chí muốn nghỉ việc. Trong bối cảnh đó, việc giữ tinh thần tích cực không chỉ giúp loại bỏ cảm xúc tiêu cực mà còn là chìa khóa duy trì nguồn năng lượng, sự nhiệt huyết và sự sáng tạo trong công việc mỗi ngày.
Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Giàu (Trường Đại học Công nghệ TP.HCM) chia sẻ: “Cân nặng của một người bị stress sẽ giảm một cách bất thường. Theo các chuyên gia, sự bất thường này được xác định khi trọng lượng cơ thể giảm 5% trong vòng một tháng — đây là dấu hiệu dễ nhận thấy. Ngoài ra, khi chú ý đến cơ thể, chúng ta sẽ nhận ra những cơn đau do ảnh hưởng về mặt thể lý. Về mặt suy nghĩ, trong giai đoạn stress, chúng ta dễ xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực, chỉ trích, phán xét hoặc lo âu. Về mặt cảm xúc, cũng sẽ có những thay đổi bất thường: đôi khi cảm thấy chán nản, giảm động lực làm việc, hay cảm thấy khó chịu mà không rõ nguyên do. Đặc biệt, cảm xúc thường thay đổi thất thường, lên xuống một cách khó kiểm soát”.
BS CKI Lâm Thiên Huệ (Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Gia An 115, TP. HCM) cho biết: “Đối diện với những ca bệnh nguy kịch tại Khoa Hồi sức tích cực là điều rất thường gặp. Với khối lượng kiến thức được đào tạo và kinh nghiệm thực tiễn, chúng tôi cần xử lý các tình huống một cách bình tĩnh và tập trung. Tâm trạng của bác sĩ cũng rất lo lắng, đặc biệt khi bệnh nhân cần can thiệp hoặc phẫu thuật. Khi bệnh nhân hồi phục sức khỏe, chúng tôi cảm thấy vô cùng vui mừng — đó cũng chính là mục đích khi lựa chọn nghề y. Được giúp người bệnh khỏe mạnh là động lực khiến chúng tôi tiếp tục gắn bó lâu dài với nghề”.
Chị Thái Kim Hồng (Công ty TNHH Tư vấn Kế toán Thuế Ba Miền, quận Bình Thạnh, TP. HCM) chia sẻ kinh nghiệm khi làm việc nhóm. Trong cùng một không gian, chị luôn giữ sự tôn trọng và tránh để cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến tập thể. Khi có vấn đề xảy ra, chị trao đổi và giải quyết ngay lập tức. Sau khi công việc kết thúc, mọi mâu thuẫn cũng cần phải được bỏ lại phía sau để tiếp tục làm việc hiệu quả.
Anh Trịnh Hồng Khánh (Phó Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Kế toán Thuế Ba Miền, quận Bình Thạnh, TP. HCM) chia sẻ: “Phải luôn tăng cường nguồn năng lượng tích cực cho bản thân bằng cách suy nghĩ lại về mục đích mình ở đây, từ đó khôi phục động lực, giảm bớt nỗi buồn và lo âu khi đối diện với các vấn đề tiêu cực”.
Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Giàu cũng nhấn mạnh: “Nguồn lực đầu tiên giúp đương đầu với áp lực là nguồn lực cá nhân, đến từ thói quen suy nghĩ tích cực. Thứ hai là khả năng chăm sóc và cân bằng cảm xúc. Thứ ba là kỹ năng ứng phó với khó khăn”.
Giữ tinh thần tích cực trong công việc không phải là điều dễ dàng. Điều này đòi hỏi mỗi người phải học cách quản lý cảm xúc, chăm sóc sức khỏe tinh thần và duy trì sự chủ động trong giao tiếp. Chính sự kiên định và tinh thần tích cực sẽ là chìa khóa giúp mỗi người vững bước trên hành trình sự nghiệp của mình.