Vietnamese Concert của Hoàng Thuỳ Linh và những cộng sự đã chính thức diễn ra vào lúc 20:00 ngày 29/9 tại Nhà thi đấu Phú Thọ, TP. HCM.
Team truyền thông The Leader Ent. trân trọng cảm ơn các anh chị nhà báo, những tiền bối, thầy cô, những anh chị em đồng nghiệp, The Phoenix và các khán giả yêu nhạc đã dành thời gian để có mặt trong sự kiện âm nhạc mang ý nghĩa tinh thần to lớn với Hoàng Thuỳ Linh.
Vietnamese Concert không chỉ là một buổi diễn kỷ niệm 13 năm ca hát của mình, mà còn là một câu chuyện được Hoàng Thuỳ Linh và gần 1000 con người trong ekip kể lại bằng âm nhạc về chuyến hành trình của một cô gái ngốc nghếch. Từ một thời điểm xa xôi nào đấy, đã rất rất lâu rồi, cô bé luôn tự hỏi bản thân mình, hỏi mẹ, hỏi cả đất trời rất nhiều câu hỏi.
Có phải vạn vật tồn tại để đợi chờ cô ấy ra đời?
Hạnh phúc mà người ta hay bảo rốt cục ra sao?
Mình phải đi đến tận đâu để có được hạnh phúc trong cuộc đời này?
Cô bé ngốc nghếch với bộn bề câu hỏi ấy cứ mải miết đi tìm cho bằng ra lời giải về hạnh phúc trong cuộc đời. Gặp gỡ, nên duyên, chia ly, hạnh ngộ. Hành trình của cô ấy cứ thế thành hình trên sân khấu của Vietnamese Concert, với âm nhạc là sợi dây xuyên suốt để đến cuối cùng, cô ấy đã biết cách để chính mình được hạnh phúc.
Gần 1000 người đã tham gia tổ chức và kiến tạo nên Vietnamese Concert, tất cả đều là người Việt Nam, mang trong mình lòng tự tôn và tự hào với âm nhạc và bản sắc nước Việt. Đó cũng là ý nghĩa cho cái tên Vietnamese Concert. Buổi diễn càng thêm rộn ràng và rực rỡ khi có sự góp mặt của 7000 khán giả, đến từ khắp mọi nơi. Giây phút tất cả cùng hoà chung câu nói “WE ARE VIETNAMESE – CHÚNG TA LÀ NGƯỜI VIỆT NAM” với âm hưởng vang rền sự tự hào thực sự là một món quà trác tuyệt mà Hoàng Thuỳ Linh nhận được trong sự nghiệp.
Dưới ánh trăng tròn của đêm rằm tháng Tám, hành trình trưởng thành của cô bé ngốc nghếch được kể lại bằng 19 ca khúc, không chỉ với âm nhạc, hình ảnh được xây dựng như một cuốn phim coming-of-age mà còn được phối hợp dàn dựng bằng nhiều bộ môn sân khấu, loại hình kịch nghệ truyền thống Việt Nam. Tất nhiên, không thể thiếu đi những định dạng về âm nhạc và giải trí tiệm cận xu hướng thế giới.
Hoàng Thuỳ Linh và ekip mất một năm để lên ý tưởng về đường dây cũng như chất liệu cho toàn bộ những màn biểu diễn, với mong muốn khán giả sẽ được thưởng thức một “lễ hội âm nhạc” thời thượng nhưng cũng thật thân quen bởi những chất liệu văn hoá giải trí truyền thống vốn nằm sẵn trong mỗi người.
Đoạn khởi đầu được thực hiện bằng định dạng hoạt họa 3D với cảnh núi rừng đại ngàn hùng thiêng nước Việt, 8 loài linh vật trong văn hoá tín ngưỡng dân gian cổ truyền cùng quý cô Việt Nam phiên bản A.I múa ca và hội ngộ, đón một mùa đoàn viên ấm áp. Ngay sau đó, Vietnamese Concert chính thức bắt đầu với chương KHỞI bằng ca khúc “Trưởng Nữ chạy trốn”, kết hợp chất hip-hop đường phố với hoạt cảnh sân khấu lấy chất liệu từ broadway. Hàng trăm vũ công phủ kín sân khấu, cùng Hoàng Thuỳ Linh tạo nên một màn mở đầu bùng nổ.
Ngay sau cuộc đào thoát khỏi lễ cưới, cô gái ngốc nghếch hồ hởi dấn thân vào những chuyến phiêu lưu mới mẻ của cuộc đời, gặp gỡ và “Bắt vía” những mối “Duyên âm”, để nhận ra rằng hoá ra những nông nổi của tuổi trẻ ngoài cho ta trải nghiệm, còn cho ta cả những vấp ngã để lớn lên. Khách mời đầu tiên, Wren Evans đại diện cho chương của thanh xuân, những người bạn cũ, những người sẽ trở thành kỉ niệm trong cuộc đời, để ta tiếp tục dấn thân vào những hành trình mới, chương LỄ.
LỄ trong Vietnamese Concert mang không khí của đêm đoàn viên, lễ hội rước đèn truyền thống lung linh sắc màu với những lồng đèn bóng kính cùng chiếc đầu sư tử truyền thống khổng lồ trăm năm mang đặc trưng của văn hoá Bắc Bộ. Hoàng Thuỳ Linh xuất hiện cùng những em nhỏ, thắp lên thứ năng lượng rộn ràng và ấm áp phủ khắp nhà thi đấu Phú Thọ, rót thêm thứ âm thanh xập xình của slap bass trong hai ca khúc “Lắm mối tối ngồi không” và “Lúc thấy lúc không”. Kết chương là “Kẻ cắp gặp bà già”, tượng trưng cho tiếng nói của cô gái bé nhỏ ngày nào nay đã trưởng thành trong màn diễn kết hợp chất hip-hop và ngôn ngữ của tuồng cổ được dàn dựng công phu bởi vũ đoàn và nhóm múa.
Hành trình đi tìm hạnh phúc của cô gái nhỏ chuyển mình trong chương THUỲ, quãng đời dịu dàng như những mộng mơ và nỗi buồn thỏ thẻ, của tình yêu và những thổn thức. Sự xuất hiện mang đẳng cấp quốc tế của nghệ sĩ – nhà giáo dục Thanh Bùi trong “không một bài hát nào có thể diễn tả cảm xúc của em lúc này.” với thanh âm của jazz và soul hoà quyện vào nhau như một dòng chảy êm ái trên dòng sông tình yêu thiếu nữ. Những âm sắc da diết của mùa mưa ngâu thất tịch càng thêm nhân rộng trong bản hit “Em đây chẳng phải Thuý Kiều”, được làm mới với dàn giao hưởng Tây phương chơi theo phong cách ngũ cung mang âm hưởng dân tộc.
Cuối cùng, kết chương là một đám rước linh đình chốn cung vua. Nàng Tấm từ bùn từ tro, vươn lên như nhánh xoan đào, hồi cung như một hoàng hậu quyền lực với “Kẽo cà kẽo kẹt” trong không gian kết tinh của của nhã nhạc cung đình kết hợp cùng dàn orchestra và nhạc cụ dân tộc.
“Kẽo cà kẽo kẹt” như chiếc bản lề để buổi diễn bước sang chương LINH, khoảng sâu trong tâm hồn của người con gái. Loạt ca khúc “Rơi” , “Bánh trôi nước, “Tứ Phủ” và “Đánh đố” được dàn dựng kết hợp bởi gần một trăm vũ công của nhóm À Ố, khắc điểm những khoảng sâu nhất trong nội tâm người con gái, trên hành trình đi tìm lại trái tim thuần khiết của mình sau những vấp ngã và đứng lên.
Sau khi đi hết tâm hồn mình, HOÀNG, chương cuối cùng của Vietnamese Concert rộn rã và âm vang với những bản top-hit đã kiến thiết nên sự yêu thương của khán giả dành cho Hoàng Thuỳ Linh, như phần climax của một cuốn phim, đầy sắc thái huy hoàng và có hậu. Cả khán đài hoà theo giai điệu bùng nổ của “Để Mị nói cho mà nghe”, “Hạ phỏm”, “Gieo quẻ” “Bo xì bo” và “See tình”, không khí vỡ oà trong tiếng nhạc và sự yêu thương khi cả khán phòng cùng hoà chung câu nói “We are Vietnamese – Chúng ta là người Việt Nam” .
Khoảnh khắc khi giai điệu “See Tình” một lần nữa vang lên với phiên bản giao hưởng lần đầu tiên được trình hiện cùng dàn đồng ca những em nhỏ như một lời cảm ơn chân thành nhất mà Hoàng Thuỳ Linh và ekip muốn gửi tới mọi người.
Ba khách mời xuất hiện trong đêm concert đều có ý nghĩa quan trọng trong quá trình kiến tạo nên bản thể và linh hồn hoàn chỉnh của Hoàng Thuỳ Linh. Thanh Bùi, một người anh lớn luôn nâng đỡ và tạo điều kiện cho Linh trên con đường nghệ thuật, là biểu tượng cho sức mạnh và lòng tốt để cô gái ngốc nghếch bước qua những khó khăn trên con đường khôn lớn.
Đen Vâu ở ca khúc mới “Miền đất hứa” chính là tiếng nói ở thì tương lai, khi cô gái nhỏ đã tìm được hạnh phúc và sự tự do trong tâm hồn. Còn Wren Evans thì đại diện cho tuổi trẻ, cho sự hồ hởi và ngây thơ mà bất kì ai cũng có trong đời.
Có thể đến tận những giây phút cuối, ngỡ rằng mọi thứ đã thành toàn, thì cuộc đời vẫn có thể tiếp tục ban tặng cho chúng ta những trải nghiệm mới mẻ không ngờ, bởi hành trình sống là bất tận, một khi tâm hồn chúng ta đã tìm được sự thanh bình.
Cô gái ngốc nghếch ngày nào đã tìm thấy hạnh phúc thực sự, cảm thấy tự do hơn bao giờ hết khi nhận ra rằng chỉ có tình yêu và lòng tốt mới có thể chế ngự được sự giận dữ bên trong chúng ta, khiến chúng ta dần trở thành một con người hoàn thiện. Hạnh phúc tuy cần phải đi tìm, nhưng đó cũng chính là xúc cảm ta nhận được từ mọi điều trong cuộc đời, mỗi giây mỗi phút.
“Hoàng Thuỳ Linh cũng chỉ là một người bình thường, như bao người khác. Linh không có gì khác ngoài tình yêu và âm nhạc để gửi tặng cho công chúng và khán giả. Bạn hãy lấy nó khi cần, bao nhiêu cũng được.