Trong chương trình Người Thứ 3, chị A (55 tuổi) sống tại TP.HCM, thú nhận mình từng là một người thứ 3 và câu chuyện hơn 20 năm đi tìm hạnh phúc đích thực.
Lập gia đình năm 22 tuổi, với tâm hồn trẻ trung của một cô gái, chị A không biết rằng thanh xuân của mình đã bị nhấn chìm bởi một người chồng nát rượu trong suốt 18 năm. “Lúc đó tôi còn trẻ, mặc dù biết anh hay nhậu nhẹt từ trước khi cưới nhưng vẫn chấp nhận về sống chung một mái nhà, nhưng không nghĩ càng lúc anh lại càng bê tha đến mức không thể chấp nhận được”, chị A tâm sự.
Cuộc sống càng khó khăn hơn khi chị A sinh thêm đứa con thứ 2. Áp lực kinh tế ngày một đè nặng, những trận bạo hành vô cớ của chồng ngày một nhiều hơn. Chị A kể một tháng anh nhậu hết 30 ngày, ngày nào không đánh đập vợ thì cũng kiếm chuyện càu nhàu, chửi bới. Những ngày như thế chị chỉ biết im lặng chịu trận, phần vì để bảo vệ con, bảo vệ gia đình, phần còn lại là thương mẹ chồng. Theo lời chị kể, mẹ chồng là người rất hiền và thương con dâu nhưng cũng bất lực bởi chính đứa con trai ruột của mình, cho nên ngoài im lặng để giữ yên bình cho gia đình thì chị không thể làm gì khác.
“Một lần tôi đi bán về, thấy anh nhậu say nên tôi tới thoa dầu cho anh, đột nhiên anh chửi rồi chọt ngón tay vào mắt tôi. Tôi hoảng loạn nên chạy trốn ra ngoài lúc 1 giờ khuya. Tôi trốn trong bụi cây hơn 1 tiếng để tránh sự truy đuổi của anh. Sau đó tôi lẻn về nhà đón hai con rồi chạy từ quận 12 về Thị Nghè để trốn tạm nhà chị ruột và ly hôn sau đó”, chị A kể lại thời điểm tức nước vỡ bờ, không thể nhẫn nhịn được nữa.
Nhớ lại khoảnh khắc thoát khỏi người chồng nát rượu sau 18 năm chịu đựng, chị A chia sẻ đó là một thời khắc chị cảm giác như được giải thoát, mặc dù sau đó chị phải đối mặt với áp lực phải tự nuôi hai con. Có sẵn nghề may, chị thuê một phòng trọ nhỏ rồi tự mua máy về sửa quần áo thuê.
“Một mình tự nuôi hai con, sống trong nỗi cô đơn không có ai chia sẻ, tôi phải tự bước qua vất vả mỗi ngày. Có vài lần chồng tới tìm tôi để mong muốn tái hợp nhưng tôi một mực từ chối. Lúc tỉnh thì anh nói chuyện lịch sự, còn lúc say anh lại gọi điện chửi rủa tôi thậm tệ”, chị A kể lại nỗi khổ tâm của mình.
Chị cũng không ngại kể chị đã có người mới trước khi chính thức ly hôn chồng vài tháng. Trong một lần dự sinh nhật của bạn, chị gặp người ấy, sau đó cả hai cảm mến nhau qua những lần nói chuyện và những cuộc hẹn cà phê bên ngoài. Chị thổ lộ chính anh là động lực để chị trốn chạy khỏi người chồng tệ bạc của mình.
Nghe câu chuyện của chị A, tiến sĩ Tô Nhi A nhận xét: “Không phải tôi muốn bênh vực nhưng đây là một câu chuyện khách quan, khi chúng ta bị đánh quá nhiều ngày để rồi khi cảm nhận được sự dịu dàng từ một ai đó khiến tâm lý chúng ta dễ gục ngã. Thứ hai, khi chúng ta bắt đầu một mối quan hệ mới trong những ngày tháng cuối cùng của một cuộc hôn nhân sắp đi đến bờ vực kết thúc, rất nhanh sau đó đã ly hôn, mối quan hệ mới chỉ là một chút lý do để chúng ta mạnh mẽ bước ra khỏi mối quan hệ cũ”.
Tất nhiên, chị A cũng biết người tình mới đã có gia đình. Theo đánh giá của chị, anh là người hiền lành, còn vợ anh là người đàn bà thô lỗ, hay nói lời tục tĩu. Chị nghĩ anh có nỗi buồn thật sự từ một người vợ chua ngoa và đanh đá, chứ không phải là một người đàn ông tham lam tìm của lạ.
Đi qua một cuộc hôn nhân đầy tổn thương, gặp được người đàn ông nhẹ nhàng, an ủi mình, chị tưởng như mình đã tìm thấy hạnh phúc, nhưng thật ra, song song đó là sự cay đắng khi anh vẫn thuộc về một gia đình khác. “Những lúc anh trở về nhà, để lại tôi một mình, tôi thấy trong lòng trống vắng. Nhưng anh nhất định không bỏ vợ con để đến với tôi”, sau những đêm trằn trọc suy nghĩ, chị quyết định rút lui sau 4 năm làm người thứ 3.
“Ngày chia tay anh đến tìm tôi rồi đập nát cánh cửa phòng trọ. Tôi dọa sẽ cho vợ anh biết mối quan hệ này, lúc đó anh mới chấp nhận rời xa tôi”, chị A kể.
Sau khi tâm sự với tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, chị A từ chối bật đèn để muốn quá khứ của mình sẽ được lãng quên theo thời gian.
Lắng nghe câu chuyện của người phụ nữ 55 tuổi, tiến sĩ Tô Nhi A kết luận cả hai cuộc tình đã qua có một thứ mà chị A tìm mãi không thể có được, đó chính là sự an toàn. Ở người chồng, chị A không tìm thấy sự an toàn trong thể xác vì thường xuyên bị đánh đập, còn ở người tình, chị A cũng không tìm thấy sự an toàn trong tình yêu, vì anh ta không bao giờ chọn chị và chị thì sẽ bị đánh ghen bất cứ lúc nào.
“Cũng là một câu chuyện Người Thứ 3, nhưng lại khác nhau rất nhiều hoàn cảnh, tâm thế, sự mưu cầu… chính sự khác nhau đó nên chúng ta cần phải có một góc nhìn bao dung để lắng nghe một câu chuyện, cùng nhau nhận ra những bài học đắt giá, để tìm được chất liệu chung, từ đó chúng ta quay trở lại cuộc sống của mình và khiến nó tốt hơn mỗi ngày”, nữ tiến sĩ cho rằng mọi người đừng đem góc nhìn định kiến lên danh xưng “người thứ 3” mà hãy nhìn thấu rõ vào bên trong để có thể thương cảm con người một cách thật sự.