MC Hà Pu hào hứng với trải nghiệm trở thành nghệ nhân dệt khăn của làng nghề dệt choàng Long Khánh A tại Đồng Tháp

Mr Ti

Cùng Việt Nam 365 ngày thú vị và MC Hà Pu khám phá làng nghề thủ công truyền thống dệt choàng Long Khánh A – làng nghề được ghi nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia của Việt Nam.

Việt Nam 365 ngày thú vị mang đến những hành trình kỳ thú, khám phá một Việt Nam không chỉ xinh đẹp về những kiệt tác thiên nhiên mà còn sở hữu những giá trị về văn hoá lâu đời, sâu sắc ấn tượng. Đến với Đồng Tháp, MC Hà Pu đã có cơ hội được tham quan làng nghề dệt vải có hơn 100 năm lịch sử – Làng nghề dệt choàng Long Khánh A.

Từ lâu, những chiếc khăn choàng, khăn rằn từ lâu đã là biểu tượng quen thuộc của người dân đồng bằng Sông Cửu Long. Nghề thủ công truyền thống dệt choàng (hay còn gọi là dệt khăn rằn) xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã hình thành và phát triển hơn 100 năm qua, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa quyết định đưa nghề dệt khăn rằn vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghề thủ công truyền thống dệt choàng là một trong những làng nghề nổi bật trong khu vực miền Tây Nam Bộ với những sản phẩm vải thổ cẩm đặc trưng. Từ việc sáng tạo thêm một số mẫu khăn rằn mới phục vụ khách du lịch, dần dần, các nghệ nhân ở làng nghề phát triển nhiều sản phẩm thời trang và quà lưu niệm mới như: áo bà ba, túi xách, balo, nón, cà vạt, bông cài áo… Làng nghề dệt choàng Long Khánh A sản xuất, cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước hơn 5 triệu chiếc khăn choàng các loại.

Đến với Làng nghề dệt choàng Long Khánh, du khách được trải nghiệm khu phục dựng quy trình sản xuất của làng nghề, trưng bày, bán các sản phẩm, xem trình diễn các công đoạn nghề dệt choàng và đặc biệt nhất là trải nghiệm cùng các nghệ nhân. MC Hà Pu sẽ cùng với Việt Nam 365 ngày thú vị trải nghiệm một ngày trở thành nghệ nhân của làng nghề dệt choàng Long Khánh A tại Cơ sở dệt khăn choàng Kim Chiều với nhiều hoạt động vô cùng thú vị.

MC Hà Pu bất ngờ với sự sáng tạo của các nghệ nhân khi tham quan các sản phẩm khăn choàng, khăn rằn vô cùng bắt mắt: “Trước giờ Hà Pu cứ nghĩ khăn choàng chỉ có một màu trắng đen, nhưng hôm nay rất bất ngờ khi mọi người có thể sáng tạo và tạo ra nhiều sản phẩm có nhiều màu sắc vô cùng bắt mắt”. Lúc đầu, chiếc khăn choàng sản xuất hoàn toàn thủ công chỉ có hai màu đen – trắng hoặc nâu – trắng, đan chéo nhau tạo thành những ô vuông, để đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng, các nghệ nhân đã sáng tạo thêu trên đó hình ảnh đặc trưng của Đồng Tháp (hoa sen, sếu đầu đỏ…).

Chia sẻ về quy trình tạo ra chiếc khăn choàng hoàn chỉnh, nghệ nhân Kim Chiều cho biết: “Sau khi mua chỉ về cần phải đưa vào máy để quay thành một cuộn chỉ lớn rồi phân loại, cuộn nào cần tạo màu phải đưa vào nồi áp suất để nấu. Sau khi vớt chỉ ra vắt cho khô sẽ nhồi vào một nồi hồ lớn cho thấm hồ. Hoàn thành các công đoạn trên, tiếp tục vớt chỉ ra vắt, đem ra sào phơi khoảng 3 ngày cho khô. Chỉ sau khi được phơi khô tiếp tục phân loại ra thành các cuộn nhỏ theo màu sắc để tạo nên những hoa văn trên khăn choàng gọi là mắc cửi, cuối cùng là đưa lên máy dệt.”

MC Hà Pu bắt đầu với công đoạn quay chỉ, sau đó là sắp ống và mắc cửi, mỗi một công đoạn đều đòi hỏi sự kỳ công và tỉ mỉ đến từng chi tiết, trong đó mắc cửi là công đoạn khó khăn và tốn nhiều thời gian, cần nhiều nghệ nhân phối hợp liên tục trong nhiều giờ liền để hoàn thành. “Mọi người nhìn mình đẩy nhẹ tay thế thôi chứ thật ra mình đang gồng vì nó rất nặng. Chỉ sẽ cuộn và mình phải đẩy ngược chiều lại nên sẽ rất nặng tay. Mình rất bất ngờ vì nhìn các cô chú làm rất đơn giản nhưng khi vào thực hành mới biết nó rất khó!” – MC Hà Pu nói.

Cuối cùng là công đoạn dệt vải của những người thợ dệt lành nghề, sử dụng khung cửi truyền thống để đưa sợi chỉ vào từng bộ máy, đòi hỏi sự chính xác cao. Để hoàn thành một sản phẩm khăn choàng hoàn thiện tuỳ vào độ phức tạp của hoa văn mà có thể kéo dài từ 40 phút – 1 giờ đồng hồ. Để sử dụng được máy dệt các nghệ nhân cần phải phối hợp chặt chẽ giữa tay, chân và các bộ phận của máy để cho ra các sản phẩm hoàn thiện, chỉn chu nhất. MC Hà Pu đã mất rất nhiều thời gian để làm quen với máy dệt bởi sự khó khăn, phức tạp khi phải nhịp nhàng và chính xác trong từng động tác sử dụng.

Với phương châm: “Đi một ngày đàng, muôn ngàn trải nghiệm”, Việt Nam 365 ngày thú vị đã mang đến cho MC Hà Pu những trải nghiệm khó quên tại làng nghề thủ công truyền thống dệt choàng xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Những tấm vải được dệt ra không chỉ là sản phẩm mà còn là câu chuyện của những người thợ, của đất đai của tinh hoa văn hoá đã được gìn giữ qua bao thế hệ.

Đón xem Việt Nam 365 ngày thú vị được lên sóng vào 18h30 các ngày trong tuần trên kênh VTV9. Chương trình do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Công ty Truyền thông Bee thực hiện.