Tập 17 Đời Rất Đẹp là câu chuyện về bà Xuân Phượng – một nữ bác sĩ, đạo diễn phim tài liệu, người đi qua bom đạn chiến tranh sẽ kể lại hành trình được Bác Hồ cử theo đoàn làm phim nhằm ghi lại những tư liệu lịch sử về cuộc kháng chiến của Việt Nam. Bên cạnh đó, bà còn khiến MC Ngọc Lan xao xuyến với ký ức về tình yêu thời chiến, đầy gian truân và thách thức.
Từ trong chiếc hộp ký ức, MC Ngọc Lan bất ngờ khi lấy ra một trái bom bi. Kỷ vật đặc biệt này gợi lên trong bà Xuân Phượng những ký ức về tháng ngày tuổi trẻ đắt giá. “Năm 1967 có một đoàn làm phim, đến chiến trường Vĩnh Linh, nơi được mệnh danh là ác liệt nhất miền Bắc. Tại đây, Mỹ đã ném một lượng bom gần bằng tổng số bom ném trong Thế chiến thứ hai. Vào thời điểm đó, tôi đang làm bác sĩ tại Bộ Ngoại giao. Chính Bác Hồ đã triệu tập và giao nhiệm vụ theo dõi sức khỏe của đạo diễn Joris Ivens, một nhà làm phim cách mạng nổi tiếng lúc bấy giờ đã 70 tuổi”, bà kể lại.
Lý giải về nguyên do Bác Hồ cử theo đoàn làm phim và chăm sóc cho đạo diễn Joris Ivens, bà Xuân Phượng tiết lộ: “Bác Hồ đã nói với chúng tôi rằng: “Các cháu biết đấy, dù chúng ta có làm 10 bộ phim đi nữa, cũng khó có thể chiếu được ở Mỹ. Nhưng nếu ông Ivens, những nhà làm phim nổi tiếng thế giới, thực hiện những thước phim này, thì có khả năng…”. Theo bà Xuân Phượng chia sẻ, vì Bác Hồ muốn những thước phim này đến được với người dân Mỹ, để họ có thể hiểu rõ hơn về cuộc kháng chiến của Việt Nam.
Nhận nhiệm vụ từ Bác Hồ, bà Xuân Phượng cùng bốn nhân viên quay phim và đạo diễn Joris Ivens thực hiện. Trong quá trình đồng hành cùng đoàn làm phim của đạo diễn Joris Ivens, một kỷ niệm khiến bà Xuân Phượng không bao giờ quên được đó chính là khoảnh khắc đích thân dùng dao mổ cứu lấy một nhân viên quay phim trong chặng dừng chân ở Thanh Hóa.
“Đoàn làm phim của chúng tôi có bốn người nhưng có một anh quay phim không may bị trúng bom bi. Trong đêm tối mịt mùng, tôi mò mẫm tìm vết thương của anh. Khi chạm vào cổ anh, tôi cảm nhận được chất dịch nhầy nhụa, nóng hổi – đó là máu. Vị trí vết thương chỉ cách động mạch chính vài milimet. Tôi sờ thấy một vật thể lạ (viên bom bi), trong đêm tối, tôi dùng dao mổ, vừa lần mò vừa cố gắng chặn máu. Tôi vạch một đường, rồi lại một đường, nhưng vẫn không thấy viên bi đâu. Vạch sâu hơn, tôi từ từ nặn, cuối cùng cảm nhận được một vật thể nóng hổi rơi vào lòng bàn tay. Tôi biết mình đã lấy được viên bi ra khỏi cổ anh”, bà Xuân Phượng cẩn thận kể lại từng chi tiết.
Chia sẻ về sức tàn phá của quả bom bi, bà Xuân Phượng tiết lộ: “Trên bề mặt quả bom có nhiều lỗ nhỏ như vết đạn bi. Khi bom phát nổ, những viên bi và mảnh sắt sẽ văng ra và găm vào cơ thể, từ đó gây ra những vết thương nghiêm trọng. Điều nguy hiểm nhất là những viên bi tròn, nhỏ, khi vào máu sẽ di chuyển khắp nơi, gây ra những tổn thương khó lường”.
Ở miền ký ức thứ hai, bà Xuân Phượng bất ngờ chia sẻ về mối tình đầu của mình. Bà nhẹ nhàng giải thích lý do mang câu chuyện này lên chương trình: “Dù tôi đã 96 tuổi, nhưng tình yêu không có tuổi. Tôi muốn kể câu chuyện tình đầu của mình, một câu chuyện có thể xem là lịch sử. Tôi kể để các bạn hiểu rằng tuổi tác không hề ảnh hưởng đến trái tim”.
Năm 16 tuổi, bà hoạt động bí mật cho Việt Minh, tham gia đoàn kịch trường Khải Định (nay là Quốc Học Huế). Tại đây, một chàng trai tên Nam, hơn bà Xuân Phượng hai lớp cảm mến bà. Sau thời gian tiếp xúc, cặp đôi nảy sinh tình cảm với nhau. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, bà cho biết tình yêu học trò bị xem là điều cấm kỵ và chuyện tình cảm của cả hai được giữ bí mật.
Đến năm 1946, chuyện tình yêu của cặp đôi bị chia cắt vì chiến tranh nổ ra. Trong khi ông Nam phải về Nghệ An hoạt động chính trị và chăm sóc gia đình, còn bà Xuân Phượng phải vào chiến khu Việt Bắc. Sau nhiều năm mất liên lạc, bà Xuân Phượng như “chết lặng” khi nghe thông tin anh Nam lấy vợ từ một người bạn học. Bà Xuân Phượng kể lại: “Thời đó, tôi làm thuốc nổ dưới quyền anh Trần Đại Nghĩa. Một ngày, tôi gặp lại người bạn học cũ. Trong lúc trò chuyện, anh ấy nói với tôi rằng anh Nam đã lấy vợ. Nghe tin ấy, tôi như chết lặng, chân tay bủn rủn. Anh Hoàng đã đỡ tôi dậy, nhưng suốt ba tháng sau đó, tôi không thể nói được lời nào”.
Sau nỗi buồn vì mối tình đầu lấy vợ, bà Xuân Phượng nhận lời cầu hôn trong 3 giây từ anh Hoàng – người hoạt động cùng chiến khu. Bà hài hước nhắc lại: “Anh Hoàng đến và nói rằng anh yêu tôi, muốn cùng tôi xây dựng một gia đình. Trong hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt, tôi quá đau khổ và cô đơn. Tôi đồng ý lời cầu hôn của anh chỉ trong ba giây. Tôi nghĩ rằng anh Hoàng là người đứng đắn, sẽ không lừa dối tôi như anh Nam. Hơn nữa, tôi sợ hãi trước cảnh bom đạn và sự mất mát của đồng đội. Tôi cũng là một người phụ nữ, cần một bờ vai để nương tựa”.
Không lâu sau ngày tổ chức hôn lễ, bà Xuân Phượng không kiềm được nước mắt khi mối tình đầu đến chiến khu Tuyên Quang tìm. Bà cho biết bản thân run rẩy mở cửa vì thấy chàng trai năm ấy gầy gò và đen sạm cùng thắc mắc: “Phượng ơi, tại sao Phượng lấy chồng?”. Tôi không nói được điều gì hết. Sau đó, mọi chuyện vỡ lẽ khi biết “một người bạn học cũ của chúng tôi đã dựng chuyện anh Nam lấy vợ, nhằm mong tôi nghĩ đến anh ta”, bà Xuân Phượng cho hay.
Bà Xuân Phượng nhắc lại: “Anh Nam nói rằng, vì hai gia đình đã hứa hôn từ trước, anh sẽ xin anh Hoàng cho tôi về với anh. Con của tôi và anh Hoàng sẽ là con của anh. Tôi chỉ biết khóc. Khi anh Hoàng về, anh Nam mong anh Hoàng cho chúng tôi được gặp lại vì cả hai đã yêu nhau nhiều năm, lại vì một sự hiểu lầm mà xa cách. Sau đó, anh Hoàng cho biết bản thân đã suy nghĩ ngày đêm và quyết định cuối cùng là ở hai chúng tôi. Anh tôn trọng, không hề giận dữ hay trách móc, mà chỉ im lặng rời đi, để tôi và anh Nam được trò chuyện”.
Sau hành động đó, bà Xuân Phương cho biết bản thân không thể rời bỏ người đàn ông cao thượng này. “Sau khi anh Hoàng rời đi, tôi nói ngay với anh Nam rằng, chúng tôi không thể làm tổn thương một người đàn ông tốt như vậy. Tôi không thể nhẫn tâm làm anh ấy đau khổ. May mắn thay, anh Nam cũng đồng ý với tôi. Tôi thầm mong những người yêu nhau không gặp cảnh đau đớn như tôi khi phải từ giã người yêu cũ. Nhưng tôi tin rằng cả ba chúng tôi đã làm đúng”, bà Xuân Phượng chia sẻ.
Clip: Đạo diễn truyền hình 96 tuổi Xuân Phượng nhắc lại mối tình đẫm nước mắt năm 16 tuổi thời chiến tranh: https://youtu.be/xtiXLDmT33A
Lắng nghe câu chuyện của bà Xuân Phượng, MC Ngọc Lan không khỏi xúc động: “Một câu chuyện tình thật đẹp, đầy ắp những kỷ niệm mà hai người đã dành cho nhau. Cách cư xử văn minh và cao thượng của cả ba người đều xuất phát từ trái tim chân thành. Xin cảm ơn bà rất nhiều vì đã chia sẻ những ký ức quý giá này với chúng tôi hôm nay”.
Tập 17 Đời Rất Đẹp với khách mời bà Xuân Phượng sẽ được phát sóng vào lúc 19h15, thứ Bảy, ngày 3/5/2025 trên kênh VTV9. Chương trình Đời Rất Đẹp do VTV9 và Jet Studio phối hợp thực hiện.