Nghệ sĩ Lê Xuân Tùng và hành trình đưa tò he Việt Nam vang danh thế giới

Mr Ti

Trong tập 93 Kính Đa Chiều, nghệ sĩ Lê Xuân Tùng có những trải lòng về hành trình đưa nghệ thuật tò he đến với bạn bè quốc tế.

Nghệ sĩ Lê Xuân Tùng là một trong những người tài hoa miệt mài giữ gìn và phát triển nghề tò he truyền thống. Với bàn tay khéo léo và tâm huyết, nam nghệ nhân thổi hồn vào từng chiếc tò he đầy màu sắc. Không chỉ đơn thuần nặn tò he với những mẫu truyền thống, nghệ sĩ Lê Xuân Tùng còn sáng tạo nhiều hình ảnh đa dạng, phong phú theo xu hướng ngày nay. Đặc biệt, nam nghệ sĩ còn dùng bột tò he để vẽ tranh chân dung, phong cảnh, thư pháp.

Năm 2014, nghệ sĩ Lê Xuân Tùng từng gây tiếng vang khi đưa nghệ thuật tò he lên sân khấu Vietnam’s Got Talent và tiến sâu vào vòng bán kết 6. Đến năm 2020, nghệ sĩ Lê Xuân Tùng đạt kỷ lục Việt Nam là người đầu tiên sử dụng bột tò he kết hợp ốc vít, mắt xích để biểu diễn vẽ tranh trên sân khấu.

Đến với chương trình Kính Đa Chiều, nghệ sĩ Lê Xuân Tùng giải thích tên gọi tò he. Nam khách mời cho biết tò he ngày trước được gắn kèm một chiếc kèn. Đầu kèn được quét một chút kẹo mạch nha, khi thổi phát ra âm thanh “tò te”. Theo thời gian, tên gọi “tò te” nói trại thành “tò he” và đó chính là những món đồ chơi truyền thống bằng bột với nhiều hình dáng phong phú, đa dạng và đầy bắt mắt như ngày nay.

Theo nghệ sĩ tò he Lê Xuân Tùng, tò he đã xuất hiện và tồn tại cách đây khoảng 300 – 400 năm. Nghề nặn tò he nổi tiếng gắn với làng Xuân La, huyện Phú Xuyên (Hà Tây cũ), Hà Nội. Đây cũng chính là cái nôi của nghề tò he và là quê hương của nghệ sĩ Lê Xuân Tùng.

Không chỉ biểu diễn trong nước, nghệ sĩ Lê Xuân Tùng còn mang món đồ chơi tò he truyền thống của Việt Nam quảng bá đến với bạn bè quốc tế. “Những năm gần đây, tôi may mắn là người đại diện đưa văn hóa Việt Nam đến 11 nước. Tôi biểu diễn ở Đức, Pháp, Anh, Úc, New Zealand, Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản,… Gần đây nhất tôi đi Mỹ và sắp tới tôi lại đi Úc vào tháng 5 này”, nghệ sĩ Lê Xuân Tùng chia sẻ.

Nghệ sĩ Lê Xuân Tùng thường biểu diễn nặn tò he ngoài nước tại các sự kiện giao lưu văn hóa, giới thiệu văn hóa các nước, trên sân khấu, ngoài trời hay hội thảo. Tại đây, nam nghệ sĩ không chỉ nặn tò he mà còn vẽ tranh bằng bột tò he với các thể loại như thư pháp, phong cảnh, chân dung.

Trước sự đa tài của nghệ sĩ tò he Lê Xuân Tùng, nhiều người ngoại quốc không khỏi hiếu kỳ và thích thú với món đồ chơi truyền thống của Việt Nam. Nam nghệ sĩ kể, khi anh chỉ vừa bày bột để nặn tò he thì đã thu hút nhiều người vây quanh quan sát. Mỗi khi, nghệ sĩ Lê Xuân Tùng hoàn thành một chiếc tò he, những người xem nước ngoài đều dành cho anh một tràng pháo tay khen ngợi. Chính sự khích lệ này khiến nam nghệ sĩ ngày càng yêu nghề và tiếp thêm động lực để giới thiệu nghệ thuật tò he của Việt Nam vang danh thế giới.

Nghệ sĩ Lê Xuân Tùng tiết lộ, anh có thể nặn tò he nhanh nhất trong vòng 30 giây. Với những hình thù cầu kỳ, nam nghệ nhân thường mất 1 – 2 phút để hoàn thành. Riêng tò he chân dung thì thời gian thực hiện dao động từ 4 – 5 phút. Nam khách mời Kính Đa Chiều chia sẻ: “Ngày xưa chỉ có nặn hoa hồng, con chim, con trâu, con gà, các con giáp gần gũi với đời sống con người. Sau này tôi phát triển thêm nặn chân dung khách hàng. Tôi có thể nhìn đạo diễn Lê Hoàng và nặn ra hình chân dung từ 3 – 5 phút”.

Biểu diễn tò he ở nhiều đất nước khác nhau là vậy nhưng nghệ sĩ Lê Xuân Tùng chưa gặp quốc gia nào có văn hóa tò he tương tự Việt Nam. Nam nghệ sĩ từng xem loại hình nghệ thuật tương tự tò he ở nước ngoài thông qua tivi nhưng mỗi nơi lại thực hiện khác nhau. Nếu như Việt Nam sử dụng nguyên liệu bột gạo và dùng tay nặn thủ công hoặc tạo hình chi tiết bằng chiếc lược thì các nước khác sử dụng kẹo đường và cắt bằng kéo để tạo nên thành phẩm.

Bột để nặn tò he là bột gạo pha cùng bột nếp, được mang đi nấu chín rồi hòa cùng màu sắc. “Ngày xưa màu sắc thường được lấy từ lá cây. Ví dụ màu vàng lấy từ củ nghệ, màu đỏ lấy từ quả gấc, màu đen thường lấy từ nhọ nồi, còn các màu trung gian khác thì lấy từ màu chính để pha ra vì ngày xưa chưa có nhiều màu tiện dụng như bây giờ”, nghệ sĩ Lê Xuân Tùng bày tỏ.

Nam nghệ sĩ cũng nhớ lại về khoảng thời gian tuổi thơ phụ ông bà lấy nhọ nồi từ những chiếc xoong đun bằng tro bếp để pha vào bột tạo nên màu đen. Chính vì tò he được làm bằng nguyên liệu bột gạo nên ngày trước món đồ chơi này còn có thể được hấp lại hoặc nướng lên ăn. Theo nghệ sĩ Lê Xuân Tùng, tò he được làm từ nguyên liệu an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em và chứa đựng cả giá trị văn hóa truyền thống của nước ta. Vì làm bằng bột gạo nên tò he thường giữ được khoảng 2 – 3 tuần và có thể bảo quản lâu hơn nếu thời tiết khô đều. Ngược lại nếu thời tiết mưa nắng thất thường thì tò he sẽ nhanh bị mốc hơn.

Khi được đạo diễn Lê Hoàng hỏi về số lượng mẫu tò he hiện nay, nghệ sĩ Lê Xuân Tùng bật mí không thể đếm xuể vì mẫu tò he ngày càng đa dạng và phong phú. Ngoài những mẫu truyền thống quen thuộc, nghệ sĩ Lê Xuân Tùng còn nặn tò he dựa trên những hình ảnh mà anh bắt gặp trên phim ảnh, tivi hay internet. “Nhìn thấy mẫu gì là tôi có thể làm được liền mẫu đó. Bây giờ đa số tôi làm dựa theo hình mẫu các em nhỏ xem trên truyền hình”, nam nghệ sĩ tiết lộ.

Ngay cả khi đạo diễn Lê Hoàng ngỏ ý muốn Lê Xuân Tùng tạo hình nhân vật Doraemon, nam nghệ sĩ tự tin đồng ý ngay lập tức và bật mí đây là một trong những tò he phổ thông mà anh làm thường xuyên. Đối với những hình mẫu mới, chỉ cần các bé đưa ảnh, nghệ sĩ Lê Xuân Tùng có thể nhìn theo và tạo hình ngay mà chẳng cần phải tập trước. Do đó, các mẫu tò he của nghệ sĩ Lê Xuân Tùng không phải là sự lặp đi lặp lại mà có có cả sự sáng tạo kỳ công dựa trên những xu hướng của các em nhỏ.

Được biết, tò he lớn nhất mà Lê Xuân Tùng từng thực hiện bằng cả kích thước người thật. Trước tiết lộ của Lê Xuân Tùng, đạo diễn Lê Hoàng bày tỏ sự cảm thán và gọi nam nghệ nhân với danh xưng “thợ điêu khắc”. Lê Xuân Tùng mỉm cười cho biết, anh được mọi người gọi tên với nhiều danh xưng khác nhau như nghệ nhân, nghệ sĩ, điêu khắc hoặc họa sĩ khi dùng bột tò he để vẽ tranh.

Cuối chương trình Kính Đa Chiều, nghệ sĩ Lê Xuân Tùng bày tỏ sự cảm kích vì có cơ hội truyền tải nghệ thuật truyền thống đến gần với khán giả truyền hình, đặc biệt là những thế hệ trẻ ngày nay.

Kính Đa Chiều là chương trình talkshow sở hữu format mới lạ và đầy hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng của Kính Đa Chiều sẽ cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều thông qua những cuộc đối thoại sâu sắc, thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc.

Kính Đa Chiều chủ đề tiếp theo Vận động viên khuyết tật với sự tham gia của host Lê Hoàng và vận động viên Cao Ngọc Hùng sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 27/5 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.