Người đàn ông khuyết tật “vượt lên chính mình” học nghề cắt tóc nuôi cả gia đình

Mr Ti

Từng là người thanh niên trẻ tuổi, khỏe mạnh, mang trong mình bao hoài bão lập nghiệp thế nhưng sau chứng viêm cơ khiến hai chân dần teo tóp, xơ cứng, cuộc đời anh Nguyễn Kha đành rẽ hướng. Nghề cắt tóc đến với anh như một minh chứng cho sự cố gắng không ngừng nghỉ để trở thành chỗ dựa vững chãi cho tổ ấm riêng mà anh hết dạ trân quý.

Chương trình Thần Tài Gõ Cửa tuần này là chuyến vi hành của Thần Tài (DV Đình Toàn) và Thổ Địa Bình Thuận (DV Lâm Thắng) đến xã Thuận Minh, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận để lắng nghe câu chuyện vượt khó của gia đình anh Nguyễn Kha (1983).
Sinh ra trong gia đình khó khăn tại vùng quê đầy nắng gió, anh Kha sớm lao vào dòng mưu sinh khắc nghiệt. Thế nhưng công việc làm thuê làm mướn bấp bênh khó lòng giúp anh đỡ đần gia đình. Đến năm 16 tuổi, đôi chân anh bắt đầu có những dấu hiệu đau nhức, tê cứng.

Anh kể: “Ban đầu 1 chân bị đau nhức, rút cơ, teo lại tuy nhiên vẫn co duỗi được. Nhưng một thời gian sau là chân trái đơ cứng luôn, đến nay mỗi lần ngồi phải thẳng chân ra, đi lâu thì cái chỗ xương lòi ra làm đau nhức. Do không đi lại nhiều nữa nên tôi xin việc làm công nhật không ai nhận. Rồi sau này về học hớt tóc, nhưng khóa học dài, học nhiều cũng không có tiền đóng. Tới khi trung tâm người khuyết tật cho học nghề hớt tóc miễn phí thì tôi mới mạnh dạn đi học từ năm 2010 đến 2013, xong là mở cửa tiệm tới nay luôn. Làm được ra đồng tiền cho con đi học, xoay sở mua cá mua mắm, mua đồ ăn thêm, thấy mừng lắm”.

Cửa tiệm nhỏ ban đầu chỉ vỏn vẹn bộ đồ nghề gồm vài cây kéo cắt tỉa, lược chải và 1 cái ghế chuyên dụng, 4 vách chống tạm bằng cây ván thiếu trước hụt sau. Để níu chân khách hàng, anh Kha càng ra sức chăm chút cho từng lần cắt tóc, tạo kiểu. Nhờ đó mà xóm nhỏ dần quen và tin tưởng tay nghề của người thợ có dáng người nhỏ bé, gầy gò. Mỗi lần tích góp được 1 ít là anh lại tranh thủ tìm mua thêm vài món đồ nghề, ngót nghét mà đến nay cũng đã hơn 10 năm anh gắn bó với cửa tiệm.

Những ngày cuối năm, bà con đến cửa tiệm chăm chút cho bản thân nhiều hơn cũng là lúc những cơn đau nhức của anh Kha ngày thêm dai dẳng. Anh chia sẻ: “Tết cắt liên tục thì cái chân nó đau, tê, đứng không nổi thì tui cũng mua thuốc giảm đau uống rồi đứng cắt. Vì 1 năm thì chỉ có 1 mùa đông khách vậy thôi, ráng hớt cho khách được gọn gàng, có được đồng nào hay đồng nấy. Tôi không dám đi bệnh viện khám, cũng sợ phát hiện thêm mấy chứng bệnh khác, không có tiền chữa trị. Sợ đau bệnh ngã xuống rồi vợ con không ai lo…”

Nỗi lo ngày một chồng chất khi các con ngày càng lớn, nhất là con gái út Nguyễn Thị Thu Nguyên (2009) đang học lớp 9, còn con gái lớn Nguyễn Thị Thu Thảo (2006) sắp sửa bước vào ngưỡng cửa đại học. Thu Thảo tâm sự: ” Con có ước mơ là học Đại học sư phạm. Tại vì ngành đó học sẽ được giảm học phí, sẽ đỡ đần cho bố mẹ phần nào đó. Với lại còn cũng muốn được làm giáo viên để dạy lại cho các bạn nhỏ. Con thấy sức khỏe bố mẹ cũng ngày 1 yếu đi, con biết là bố mẹ cũng rất lo cho con cho nên con muốn đậu trường đại học để có 1 cái nghề mong muốn để sau này lo cho bố mẹ và lo cho em”.

Thương cho con gái ấp ôm giấc mơ giảng đường, người làm cha làm mẹ như vợ chồng anh Kha lại miệt mài làm lụng. Chị Nguyễn Thị Thuận (1983) – vợ anh Kha, cố gắng nhận thêm vài giờ công nhật. Thế nhưng nghề số tiền công ít ỏi nào đâu đủ giúp chị trang trải những khoản chi phí sinh hoạt hằng ngày.

Chị Thuận tâm sự: “Hồi lúc mẹ chồng còn sống có vay vốn 20 triệu để nuôi bò nhưng lúc lời lúc lỗ, nên là sau này tui nhận làm mướn cho người ta, làm mướn ở vườn thanh long như cột dây, cắt cành, xịt thuốc, nhổ cỏ gốc… 1 ngày được 160 ngàn, không có ổn định. Vợ chồng tui không có ăn học được nên ráng để lo cho mấy đứa nó được ăn học cho nó được có nghề, biết chữ như người ta.”

Giữa vùng quê đầy nắng gió, những thử thách, chông gai cứ thế lần lượt bủa vây lấy gia đình. Dẫu vậy, các thành viên vẫn không chùn lòng nản chí. Mỗi lần nhìn thấy vách tường dán đầy những tấm giấy khen có tên các con là người thợ hớt tóc lại càng dặn lòng bước tiếp. Anh Kha mơ ước: “Tôi cố gắng làm nhiều cho có tiền để sửa lại cửa tiệm. Gắn máy lạnh, mua kéo, ghế … làm thêm để kiếm tiền nuôi con. Ngoài hớt tóc thì tui còn cạo mặt với ráy tai nữa mà thời tiết ở quê tui thì nóng, khách tới thì phải kiếm cái máy lạnh để cho nó mát”

Thương cho những tính toán còn dở dang của anh Kha, sân khấu tại phủ Thần Tài lại sáng đèn để tiếp thêm động lực cho gia đình. Mời quý khán giả đón xem chương trình Thần Tài gõ phát sóng lúc 19h10, Chủ Nhật hàng tuần, trên kênh THVL1. Chương trình do Đài Truyền hình Vĩnh Long thực hiện.