Đời Rất Đẹp tập 13 là câu chuyện truyền cảm hứng của một người mẹ vượt qua nỗi đau mất con vì “cái chết trắng” để trở thành một bảo vệ dân phố “điểm tô” cho đời, kịp thời can ngăn những người trót “sa” lầy vào “vũng bùn lầm lỡ”.
Mở đầu chương trình, MC Ngọc Lan lấy một bức ảnh từ trong chiếc hộp ký ức. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc chị Lê Kim Chung đang ôm chầm con trai đang nằm trên giường bệnh. Theo lời kể của chị Lê Kim Chung, chồng chị đã qua đời từ năm chị 27 tuổi. Từ đó, chị trở thành trụ cột của gia đình, vừa quán xuyến nhà cửa, vừa một mình nuôi dạy con cái.
Năm năm sau khi chồng qua đời, con trai của chị Lê Kim Chung đã trở thành một chàng thiếu niên 14 tuổi. Sống trong khu phố có nhiều tệ nạn xã hội, con trai chị Chung bị dụ dùng “chất cấm” giống như nhiều người trạc tuổi khác.
Sau nhiều lần theo dõi, chị Chung cuối cùng cũng bắt quả tang một thanh niên trong xóm đang châm “hàng trắng” cho nhiều người, trong đó có con trai của chị. Chị Lê Kim Chung kể lại: “Lúc đó tôi theo dõi rất nhiều lần. Đến khi tôi thấy thằng bé 3 ngày không ăn cơm, tôi mới theo dõi nó thì thấy một người thanh niên trong xóm đang châm hàng trắng cho từng người hút nhưng phải đợi đến lượt con tôi thì tôi mới dám kêu. Lúc đó, con mới nói là đã hút 3 ngày”.
Khi ấy, chị Chung buộc người đó không được châm hàng trắng cho con trai chị nữa và lên phường làm đơn xin cai nghiện cho con trai ở Phú Văn. Trở về nhà sau 6 tháng cai nghiện, con trai chị Chung một lần nữa bị lôi kéo vào con đường “lầm lỡ” và suýt mất mạng ở đầu hẻm mà chị không hay biết. Đến khi phát hiện sự việc, chị Lê Kim Chung lại gửi con trai đi cai nghiện ở Phú Văn. Cứ mỗi 6 tháng hoặc một năm thì con trai chị sẽ về thăm nhà một lần nhưng tình trạng nghiện ngập ngày một nặng thêm.
“Đến khi tôi chịu không nỗi nữa thì bắt buộc tôi phải gửi luôn ở trên đó. Lúc con nằm viện thì hơn một tháng sau là qua đời. Khi con ở bệnh viện trên Bình Phước thì tôi nhờ hội Hồng thập tự rước về nhà. Về đến nhà, con trai nói rằng mẹ nói đúng, mẹ nói không bao giờ bỏ con ở trên đó và mẹ đã rước con về. Lòng tôi lúc đó đau xé lắm”, chị Lê Kim Chung xúc động kể lại.
Song, trước khi vào trại cai nghiện, con trai của chị Chung cũng lập nhiều công lao trong việc phòng chống tệ nạn xã hội nhằm chuộc lại lỗi lầm. Chẳng hạn như con trai chị Chung đã báo công an đến bắt những người liên quan đến tệ nạn ma túy. Đồng thời, con trai của chị Chung cũng để lại dòng thư nhắn nhủ với chị rằng hãy dặn mọi người tránh xa, không dùng “chất cấm” hoặc đừng để bị dụ vào con đường “lầm lỡ”. Bởi ban đầu họ mời gọi miễn phí nhưng sau khi dùng “hàng trắng” thì họ lại đến nhà tìm mọi cách để lấy tiền nên con trai chị buộc phải “chôm chỉa” đồ nhà.
Đây cũng chính là lý do vì sao mà chị Chung từng bị chính con trai “khóa tay” khi phơi đồ để “đồng bọn” mang bộ quần áo ấy đi bán lấy tiền tiêm chích. “Có bộ đồ tôi phơi thôi mà nó cũng phải mang đi. Chẳng còn cái gì cả”, chị Chung nhớ lại. Thậm chí, chị Lê Kim Chung tiết lộ còn có nhiều chuyện hơn như thế nhưng chị vẫn chịu đựng. Nhất là khi con trai về nhà sau mỗi cai nghiện, chị Chung đều phát hiện rất nhiều kim tiêm trên mái nhà hàng xóm, ước chừng lên đến cả ký lô.
Chị Lê Kim Chung cho biết: “Tôi đưa con đi trại cai nghiện, thứ nhất là để cứu con, thứ hai là cứu bản thân mình, vì trong nhà có người nghiện thì có rất nhiều thứ phải cảnh giác. Cứ ăn Tết xong là con lại xin về trại mà trước khi về trại là tôi nhìn nóc nhà bên cạnh phải vài chục ống kim chích trong mấy ngày Tết. Tham gia tổ dân phố từ năm 2000, tôi biết trách nhiệm của người công tác xã hội nên bắt buộc đưa đi cai. Muốn diệt trừ tệ nạn xã hội thì phải bắt đầu từ phòng chống, nhất là tệ nạn ma túy. Địa phương cũng đưa ra nhiều phong trào và mỗi gia đình đều phải có trách nhiệm với hành vi của người thân mình”.
Để thực hiện tâm nguyện của con sau “cái chết trắng”, một năm sau chị Lê Kim Chung quyết định xin làm bảo vệ dân phố. Chị Chung cho biết nếu chỉ là người dân bình thường thì khá khó để bắt những người thuộc nhóm tệ nạn. Do đó chị quyết định nộp hồ sơ trở thành bảo vệ dân phố và bắt tay ngay vào công việc này. Trước mỗi cuộc hội họp, chị Lê Kim Chung thường đọc những tin tức cho mọi người nghe về việc phòng chống tội phạm. Bên cạnh đó, chị Chung còn tham gia đội công tác xã hội tình nguyện giúp đỡ, quản lý và động viên người sau cai.
Không chỉ giúp những người “lầm đường lỡ bước” tái hòa nhập cuộc sống, chị Lê Kim Chung còn dũng cảm ra tay bắt cướp. Cụ thể trong một buổi sáng khi đang ở trong nhà xem tin tức thì chị Chung nghe thấy có người gọi tên mình. Khi chị nhìn ra phía cửa thì thấy một người chạy vụt ngang nên bèn đuổi theo. Sau khi tên cướp bị bắt và được thả về thì đã đến xin lỗi cũng như cảm ơn chị Chung vì đã ngăn chặn hành động xấu, giúp họ trở thành người tốt.
Món đồ thứ hai trong chiếc hộp ký ức là một đòn chả lụa. Chia sẻ về món đồ này, chị Lê Kim Chung cho biết chị vốn là đội phó của đội công tác xã hội nên thường thăm nhà, tặng quà nhu yếu phẩm để động viên tinh thần của những người sau cai nghiện. Dù không khá giả là mấy nhưng chị Lê Kim Chung thường mua thêm nhiều thực phẩm như trứng hay chả lụa để tặng kèm với gạo cho những người sau khi ra trại cai nghiện. Cứ như thế, chị Lê Kim Chung đều đặn góp tiền túi để mua thêm thực phẩm mang tặng trong suốt hơn 20 năm.
Thậm chí, có những người bị nhiễm HIV được chị Lê Kim Chung dẫn đi uống thuốc ARV đến khi có con và thay đổi thành người tốt. Đối với những thanh niên “lầm đường lạc lối”, chị Chung còn giúp họ làm lại cuộc đời bằng cách cho mượn vốn làm ăn. Chị sẵn sàng cho mượn 5 triệu và trả góp 20.000 đồng mỗi ngày để họ mua xe máy làm phương tiện kiếm sống. Đặc biệt với những người này, ai nấy cũng quý trọng và gọi chị Lê Kim Chung bằng tên gọi thân thương là “má”.
Dẫu giúp ích cho đời là thế nhưng chị Lê Kim Chung cũng nhận về nhiều ý kiến trái chiều cho rằng chị rảnh rỗi nên mới làm việc như thế. Dù vậy chị Chung vẫn bỏ ngoài tai và tiếp tục công việc “làm đẹp” cho đời. Chị Lê Kim Chung quan niệm: “Bây giờ mình muốn cuộc đời tốt đẹp thì do mình và mọi người chung tay điểm tô. Tức là mỗi người làm một việc tốt. Chỉ cần một ngày làm một việc tốt thì cái gì cũng tốt. Có người bảo tôi rảnh quá. Tết thì tôi cho mỗi nhà 2 kg chả, tính ra cũng 400.000 đồng và 50 trứng gà. Cứ việc làm đẹp cho đời thi đời sẽ đẹp. Nếu không có tư tưởng đẹp và không muốn phấn đấu thì đời sẽ không đẹp. Tôi không phải giàu có, tôi sống một mình nên cũng gói ghém. Tại sao tôi cho hết?, bởi vì chết không mang theo được cái gì. Cuộc đời là vô thường nên tôi muốn khi mình qua đời thì chỉ để lại tiếng tốt chăm lo cho người người khác”, chị Lê Kim Chung bộc bạch.
Món đồ thứ ba trong chiếc hộp ký ức chính là bức ảnh chụp một góc nhà của chị Lê Kim Chung với hàng trăm bằng khen được treo “ngay hàng thẳng lối” trên tường. Theo chị Chung, chị được trao tặng gần 300 bằng khen và kỷ niệm chương trong thời gian qua.
Vốn dĩ chị Chung không nghĩ bản thân làm những việc giúp ích cho đời để được khen thưởng mà chị chỉ muốn là người cho đi. Chị Lê Kim Chung khẳng định: “Nếu chỉ muốn gia đình mình tốt thôi thì chưa chắc đã thành công mà phải muốn mọi người xung quanh ai cũng tốt hết. “Cho đi” và “cống hiến” là hai chữ tồn tại trong lòng tôi đến khi qua đời thì thôi”.
Chính những người như chị Lê Kim Chung đã âm thầm điểm tô cho cuộc sống, cho những người “lầm lỡ” thêm một cơ hội để tái hòa nhập với cộng đồng cũng như làm lại cuộc đời. Cuối chương trình Đời Rất Đẹp, MC Ngọc Lan thay mặt chương trình gửi một bó hoa tươi thắm dành tặng cho chị Lê Kim Chung nhằm tri ân những việc tốt mà chị đã làm để cuộc sống thêm tươi đẹp.
Tập 13 Đời Rất Đẹp 2024 với câu chuyện của chị Lê Kim Chung sẽ được phát sóng vào lúc 19h15 Thứ bảy 5.10.2024 trên VTV9. Chương trình Đời Rất Đẹp do VTV9 và Jet Studio phối hợp thực hiện.