Người Thứ 3: Cô chồng gây sóng gió, khiến cháu dâu dọn về nhà mẹ ruột

Mr Ti

Chương trình “Người Thứ 3” tuần này là câu chuyện của chị B – 38 tuổi, ở Bình Chánh. Tưởng rằng bản thân sẽ có một mái ấm trọn vẹn khi được nhà chồng yêu thương, tuy nhiên, khi cô chồng – người duy nhất không thích chị, liên tục gây chuyện, thậm chí khiến chị sảy thai.

Trò chuyện cùng Tiến sĩ Tâm lý Tô Nhi A, chị B chia sẻ thời gian chị và chồng yêu nhau kéo dài 4 năm và tiến đến hôn nhân vào năm 2009. Chồng hơn chị 7 tuổi, anh kiên trì chờ đợi chị học xong đại học. Sau 3 năm hẹn hò, cô chồng ở ngoài Bắc chuyển vào sống cùng gia đình anh. Thời điểm đó, chị B đi học tại Biên Hòa nên ít qua nhà chồng, cũng không có nhiều cơ hội tiếp xúc với cô. Từ khi hai bên gia đình chính thức gặp mặt bàn chuyện cưới xin, cô chồng đã phản đối, thể hiện rõ thái độ không đồng tình với cuộc hôn nhân này.

Bữa ăn đầu tiên khi chị B về nhà chồng, mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh. Cô chồng chê bai chị trước mặt gia đình, dùng những lời lẽ thậm tệ như “Vừa đen, vừa quê mùa, xứ đó như chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Mặc dù chị B cảm thấy tổn thương nặng nề, chị cố chịu đựng và nghĩ có thể do bà cô chưa lập gia đình nên khó tính, nóng nảy. Cha mẹ chồng chỉ im lặng vì tính nết của bà cô xưa nay đã như vậy, chồng chị rơi vào thế khó xử và anh không lên tiếng bảo vệ vợ.

Hàng ngày, việc nhà đều do chị B làm, nhưng cô chồng vẫn không hài lòng, như rửa rau hai lần nước cũng bị bắt bẻ là chưa sạch. Buổi chiều, bà cô ra ngoài cùng bạn bè đi ăn không may bị đau bụng – bà cô đổ lỗi cho bữa cơm do chị nấu. Chị B chủ động nhường lại việc nấu ăn cho mẹ chồng và chỉ phụ giúp, nhưng chị vẫn luôn bị soi mói, chê trách trong từng việc nhỏ nhất.

Có lần chị bị vu oan là ăn cắp tiền, dù rất sốc, chị B vẫn giữ bình tĩnh và đề nghị kiểm tra lại camera để làm rõ. Kết quả cho thấy cả ngày hôm đó chị không hề vào phòng bà cô. Tuy nhiên, cô chồng không xin lỗi mà còn tỏ thái độ giận dữ và bỏ bữa cơm tối. Chưa dừng lại, bà cô còn ngang nhiên lấy quần tây đi làm của chị B và dùng dao lam rạch nát. Quá uất ức vì bị xúc phạm, chị B khẳng định mình không làm gì sai và kiểm tra camera một lần nữa, nhưng bà cô vẫn chối và không một lời xin lỗi. Nỗi buồn lớn nhất với chị không chỉ là hành động của cô chồng mà còn sự im lặng của gia đình: “Con đi làm đã mệt, con về nhà còn phải chịu đựng tất cả những chuyện như vậy thì con không thể chịu nổi. Cho dù cha mẹ có thương nhiều đi chăng nữa”, chị B chia sẻ.

Mâu thuẫn khiến cuộc sống của chị B bị ảnh hưởng đáng kể. Khi cô chồng tự ý vào phòng riêng của vợ chồng chị, các tài liệu công việc của chồng chị bị xáo trộn, thậm chí bà cô còn vào nhà tắm cá nhân đổ sữa tắm làm sàn nhà trơn trượt, hậu quả khiến chị B vô tình té ngã. Nhưng ngay cả bản thân chị B và cô chồng đều không biết việc chị có thai, nên không trách bà cô về sự cố này. Trong lúc lời qua tiếng lại, chị B vô tình buông lời “Cô như vậy thì khó có chồng lắm” – cô chồng không phản ứng lại.

Để giảm căng thẳng, vợ chồng chị B tạm thời chuyển về sống với gia đình bên ngoại sau khi được mẹ chồng đồng ý. Dịp giỗ bên chồng, chị B xuống bếp phụ giúp, nhưng khi đến giờ dùng bữa, cô chồng không những không hỗ trợ mà còn trách móc trước mặt mẹ chồng: “Bây giờ tôi không dạy được nó, bà là mẹ chồng thì bà dạy con dâu bà đi. Mâm cỗ bày xấu, nhìn không ngon lành gì hết”. Không dừng lại ở đó, bà cô còn đặt điều nghi ngờ chị: “Coi chừng nó ở ngoài ngoại tình, rồi về nhà cũng ngoại tình đó”. Dù tổn thương, chị B nghĩ chồng tin tưởng mình. Tuy vậy, chị vẫn mong muốn cải thiện mối quan hệ với cô để không khí gia đình bớt căng thẳng. Chị bày tỏ mong muốn được đối xử công bằng, vì bản thân không chỉ có trình độ đại học mà thậm chí còn đi học nâng cao kỹ năng nội trợ trước khi về làm dâu.

Biết cô chồng vào Nam lập nghiệp nhưng chưa tìm được công việc ổn định, chị B mong giữa cô và cháu dâu sẽ có sự cảm thông thay vì mâu thuẫn. Dù nhiều lần bị cô chồng chê trách, gây áp lực, chị B vẫn giữ thái độ ôn hòa. Chị hy vọng khi mình quay về phụ giúp mẹ chồng buôn bán tiệm vải – cả hai có thể sống hòa thuận.

Trong khoảng thời gian về sống với cha mẹ ruột, ban đầu chị B gặp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình. Tuy nhiên, chị đã giải thích rõ ràng, đó là cách để bản thân lấy lại sự cân bằng sau những tổn thương, chứ không phải vì muốn đẩy chồng vào thế khó. Chị cũng không đặt quá nhiều kỳ vọng vào việc chồng có thể đứng ra giải quyết triệt để những mâu thuẫn trong gia đình chồng. Từ đó đến nay, đã hơn 10 năm trôi qua, vợ chồng chị vẫn sống cùng gia đình bên ngoại. Với chị, cuộc sống hiện tại vẫn đủ bình yên và không quá áp lực.

Sau khi lắng nghe câu chuyện của chị B, Tiến sĩ Tô Nhi A cho rằng: “Nếu em tin mình có giá trị, là người giữ gìn được gia đình nhỏ, là con dâu hiếu thảo và gia đình mẹ ruột mình đủ phẩm cách, thì câu chuyện cô chồng nói, mắc gì em phải bận tâm?. Việc nhắc đến chuyện hôn nhân của cô chồng – dù vô tình, nhưng lại khiến cô chồng phòng thủ bằng cách chỉ trích, soi mói và tìm cách phủ nhận giá trị của em. Vì vậy, hành xử của em dễ bị hiểu sai. Khi cô chồng bị đau bụng sau bữa ăn, thay vì hỏi thăm nhẹ nhàng, em lại tỏ ra khó chịu để việc nấu ăn do mẹ chồng đảm nhiệm, điều đó khiến tình hình thêm căng thẳng, thay vì nói lời quan tâm đơn giản như: cô có uống thuốc chưa, hay trước giờ cô có hay bị vậy không?. Trong tình huống đó, mẹ chồng em – người hiểu tính cách cô chồng, nhưng vẫn chọn cách bao dung, chấp nhận để cô vào ở cùng”.

Cuối chương trình, chị B từ chối bật đèn vì không muốn làm ảnh hưởng cuộc sống gia đình. Chị chỉ mong chia sẻ câu chuyện của mình như một cách giải tỏa và chọn cách bỏ qua chuyện cũ.

Chương trình “Người Thứ 3” phát sóng định kỳ vào lúc 20h thứ Ba hàng tuần trên kênh YouTube Jet TV Show.