Mới đây, một người phụ nữ ở Thái Nguyên nhập viện trong tình trạng hôn mê, nhiễm toan chuyển hóa, tổn thương cơ tim, nguyên nhân là do ngộ độc xyanua khi uống nước măng ngâm.
Là một loại thực phẩm được nhiều bà nội trợ sử dụng trong các món ăn hằng ngày, ngoài việc ăn trực tiếp, nhiều người còn sử dụng măng để muối chua, ngâm muối ớt. Măng là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, chúng là nguồn cung cho các loại vitamin F, C, B tổng hợp, sắt, phốt pho… Tuy nhiên trong măng lại chứa nhiều độc tố, nên việc sử dụng măng không đúng cách lại ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm. Khi luộc hoặc ngâm măng, một lượng xyanua nhất định sẽ được tiết ra, khi khuếch tán trong nước làm giảm đi lượng độc tố trong măng, ngược lại lượng độc tố trong nước lại tăng lên đáng kể. Thế nhưng nhiều người lại sử dụng nước ngâm măng vì cho rằng loại nước này thanh mát, giải nhiệt cho cơ thể thậm chí còn có thể hạ sốt.
Phó giáo Sư – Tiến sĩ – Bác sĩ Lâm Vĩnh Niên (Trưởng khoa Dinh dưỡng – Tiết chế, Trường ĐH Y Dược TP.HCM) cho biết: “Độc tính xyanua khá cao, chỉ cần đưa vào cơ thể người lớn 50 – 60mg là có thể dẫn đến ngộ độc, gây khó thở mệt mỏi và thậm chí ngưng thở”.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi muốn chế biến măng, nên ngâm và luộc măng nhiều lần, trong quá trình luộc và ngâm măng, cần thay nước liên tục để loại bỏ hiệu quả các độc tố khuếch tán ra từ măng, tuyệt đối không dùng nước măng để uống hay làm gia vị. Đối với người bị đau dạ dày, phụ nữ mang thai, bệnh gout, thận thì không nên sử dụng nguyên liệu này trong bữa cơm gia đình.
Link tập 25: Nguy cơ ngộ độc vì uống nước măng chua
Trẻ mắc bệnh TIC do tiếp xúc với màn hình điện tử quá nhiều
Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện các video clip, trong đó là các em nhỏ có những hành động lạ như nháy mắt liên tục, nghiêng đầu, rút người, không thể đứng vững và nhiều dấu hiệu bất thường khác. Những hình ảnh đó đang khiến phụ huynh đang có con nhỏ cảm thấy lo lắng, nhiều người cho rằng các em nhỏ trong clip đang mắc phải các bệnh TIC – một hội chứng thần kinh ở trẻ.
Theo bác sĩ Đào Thị Thu Hương (Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM), triệu chứng TIC là những rối loạn khiến trẻ lặp đi lặp lại hành động không chủ ý, không kiểm soát được được hành động của các cơ trên cơ thể như: lắc đầu; chớp, giật mắt; càu nhàu, khụt khịt mũi hoặc hắng giọng, ngoài ra trẻ còn có những lời lẽ tục tỉu hay nói lại lời người khác.
Gần như con trẻ và các bậc phụ huynh không nhận ra được sự tồn tại của TIC dạng nhẹ, do đó không có các hoạt động phòng tránh và điều trị, các bé thường chỉ được điều trị khi bộc phát ở dạng phức tạp với các dấu hiệu rõ ràng. Bệnh TIC nguy hiểm là vậy, thế nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà không hề kiểm soát việc con chơi các thiết bị điện tử trong thời gian dài, điều này vô tình ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ.
“Đối với những trẻ có những hành vi, triệu chứng bất thường liên quan tới TIC cần được tới những nơi chăm sóc sức khỏe chuyên sâu, uy tín, để có thể khám và loại trừ những bệnh lý nguy hiểm. Tùy thuộc vào triệu chứng và tần suất lặp đi lặp lại các triệu chứng mà bác sĩ tư vấn, giáo dục về gia đình hoặc can thiệp một số hành vi để trẻ có thể tự kiểm soát hành động của mình” , bác sĩ Đào Thị Thu Hương khuyên.
Link tập 26: Trẻ mắc bệnh TIC do tiếp xúc với màn hình điện tử quá nhiều
Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội…
Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.