NTK Hà Linh Thư cùng siêu mẫu Xuân Lan casting người mẫu cho BST lấy cảm hứng từ nghệ thuật Chèo

Mr Ti

Vừa qua, tại Amor Resort Wedding & Event Garden, NTK Hà Linh Thư đã tổ chức casting tuyển chọn người mẫu cho HA LINH THU FASHION SHOW – bộ sưu tập Xuân hè 2023 “Câu truyện của những chiếc nơ – A tale of knots”.

Theo nhà thiết kế, BST lần này được lấy cảm hứng từ nghệ thuật Chèo với nhân vật chính có nét tính cách rất thú vị: Thị Mầu. Tuy nhiên, Hà Linh Thư chia sẻ, đây không hẳn là tái hiện hay đưa hình ảnh một cô đào hát chèo lên sàn diễn, mà là lấy tinh hoa của văn hoá dân tộc, kết hợp với nét hiện tại, cá tính để tạo nên những bộ trang phục vừa tôn vinh nét đẹp truyền thống, vừa phù hợp với thị hiếu của giới trẻ ngày nay.

NTK Hà Linh Thư và siêu mẫu Xuân Lan

Ít người được biết, NTK Hà Linh Thư được may mắn được sinh ra trong một gia đình truyền thống với ba thế hệ đều làm trong lĩnh vực nghệ thuật. Bà nội của chị là cố NSND cải lương Ái Liên nức danh về nhan sắc và tài năng trong thập niên 1930-1940. Ông nội của chị là công tử Hà thành – Hà Quang Định, người sản xuất phim nhựa đầu tiên của Việt Nam, tác phẩm “Phạm Công – Cúc Hoa”. Trong khi đó, ông ngoại của NTK Hà Linh Thư chính là NSND, hoạ sĩ thiết kế sân khấu chèo Nguyễn Đình Hàm. Ông cũng là người góp phần đưa chèo từ hoạt động biểu diễn đình làng tới thành biểu diễn trong nhà hát. Nữ ca sĩ Ái Vân nổi tiếng ở thập niên 1970 – 1980 với các ca khúc như Triệu bông hồng, Trăng chiều, Bài ca xây dựng… là cô ruột của NTK Hà Linh Thư.

Tiếp nối những giá trị truyền thống từ gia đình, NTK Hà Linh Thư mang đến hơi thở của nghệ thuật chèo qua BST mới nhất sẽ trình làng vào cuối tháng 5 này.

Buổi casting với sự góp mặt của dàn ban giám khảo kỳ cựu: siêu mẫu Xuân Lan, stylist Lê Minh Ngọc, NTK Hà Linh Thư đã thu hút được sự tham gia thử sức của hàng trăm mẫu nữ trong nước cũng như ngoại quốc. Có thể nhận ra một số gương mặt quen thuộc trên sàn diễn như: Á hậu Thạch Thu Thảo, Mộng Thường, Chloe Kim, mẫu ngoại quốc Hana… Bên cạnh đó, cũng có không ít những nhân tố mới mang đến những phần trình diễn mãn nhãn khiến ban giám khảo gật gù ưng ý.

Đặc biệt, tại buổi casting, siêu mẫu Xuân Lan bất ngờ nhận người mẫu trẻ Thảo Linh làm học trò và kỳ vọng sẽ đào tạo cô thành một super model vươn tầm quốc tế trong tương lai.

Mẫu nữ sinh năm 2001 là một gương mặt hoàn toàn mới, nhưng ngoại hình ấn tượng và chiều cao “khủng” 1m85 đã thu hút được sự chú ý của giám khảo ngay từ khi vừa bước ra. Cô được nhận xét là có tiềm năng, tuy nhiên do vừa bắt đầu học catwalk gần đây nên kỹ thuật vẫn chưa hoàn thiện. Dưới góc nhìn của một người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo người mẫu, siêu mẫu Xuân Lan đã ngay lập tức ngỏ ý muốn giúp đỡ để Thảo Linh có cơ hội nâng cao khả năng trình diễn, không chỉ trong show sắp tới của NTK Hà Linh Thư mà còn là cả chặng đường sự nghiệp sau này.

Trải qua hai vòng thi thử thách, bộ ba giám khảo đã làm việc miệt mài để chọn ra hơn 40 gương mặt người mẫu phù hợp và ngay lập tức tiến hành chuẩn bị cho show diễn sẽ được tổ chức vào ngày 24/5 tới.

Với tâm huyết tạo sân chơi cho các người mẫu trẻ và các người mẫu chuyên nghiệp, Xuân Lan cũng như NTK Hà Linh Thư đã quyết định trao cơ hội cho các người mẫu mới đầy tiềm năng.

Người mẫu trẻ Tú Anh, gương mặt đậm chất Á đông được trao cơ hội trở thành một trong những nàng thơ của BST mới, là gương mặt được lựa chọn để “test makeup” cùng chuyên gia trang điểm nổi tiếng “khó tính” như Nam Trung. Theo thông tin bên lề, Tú Anh được đồn đoán là một trong những chiến binh có mặt tại nhà chung The Face Vietnam 2023 sắp được lên sóng.

Tại sự kiện, NTK Hà Linh Thư đã có những chia sẻ:

Thày như táo rụng sân đình

Em như gái dở đi tìm của chua

Lời thoại trong chèo hay thế, gợi tình thế. Lời Thị Màu lả lơi tỏ tình với Thị Kính trong vở chèo Quan Âm Thị Kính. Chèo cổ thực sự là một loại hình nghệ thuật quá hay đầy tính văn hoá và truyền thống của Việt Nam mà rất tiếc nó đã bị lãng quên không được phổ cập. 

“Thày như táo rụng sân đình – Em như gái dở đi tìm của chua”. Một lời tự tình không thể hay hơn, khao khát hơn, nhục cảm và căng thẳng hơn. Ngôn ngữ, có tính chết người của nó. 

Ông ngoại tôi, Nghệ sĩ Nhân Dân, hoạ sĩ thiết kế sân khấu chèo Nguyễn Đình Hàm. Người đã chọn cho mình một con đường đi riêng trở thành hoạ sĩ thiết kế sân khấu thay vì hoạ sĩ sáng tác như các hoạ sĩ học trường Mỹ Thuật Đông Dương thời của ông. Ông đã góp phần đưa chèo từ hoạt động biểu diễn đình làng tới thành biểu diễn trong nhà hát. Rất tiếc, có vẻ giờ người ta chỉ nhớ đến “Hề chèo” và không nhớ tới “Chèo”. 

Trang phục trong các vở chèo được ông thiết kế và lưu giữ một thời kỳ phục trang chắc là của thế kỷ mười bảy, mười tám, khi phụ nữ Việt mặc yếm, áo bà ba, váy và áo tứ thân, thắt dây nơ buộc eo, đầu đội khăn vấn mà bây giờ ngôn ngữ hiện đại gọi là mấn. Có kiểu tóc vấn đuôi gà nữa. Mà lúc nào khăn vấn, lúc nào vấn tóc đuôi gà để về nhà hỏi lại mẹ. Mong là chúng ta có mọi thông tin trước khi những người muôn năm cũ khuất bóng. 

Và đây là nàng Thị Màu của ông trong màu áo tứ thân hồng sen đầy lẳng lơ đa tình và chói sáng. Ông đã chọn màu hồng sen cho Thị Màu, một màu cực kỳ đúng với tính cách nhân vật. Màu hồng sen, chỉ cần Thị Màu mặc đã nói lên tất cả về con người cô ấy. 

Tôi thích sự lẳng lơ khao khát của Thị Màu, một con người rất đàn bà, rất rất đàn bà. Sao người xưa có thể hay đến thế, tinh tế đến thế. Và màu hồng sen, một sự lựa chọn không thể hoàn hảo hơn của ông cho những tinh tế nhìn vào đã thấy “đĩ” rất ra của Thị Màu. 

Và Chèo – và ông ngoại – một cảm hứng mới, một ý tưởng mới cho bộ sưu tập Xuân Hè 2023 Câu truyện của những chiếc nơ của Hà Linh Thư. Những giải nơ buộc eo sẽ được thăng hoa và trở thành dấu ấn đặc trưng của bộ sưu tập. 

Câu truyện của Thị Màu và Thị Kính, của đam mê dục vọng, của tình yêu đơn phương đầy thèm muốn khao khát và tham lam. Nhưng tình yêu, dù có tham lam sở hữu nó vẫn là tình yêu và nó vẫn luôn là thứ được tôn vinh nhiều nhất trong văn học, thơ ca, âm nhạc, hội hoạ, điện ảnh và sân khấu. 

Chèo, một loại hình sân khấu truyền thống với tất cả những nề nếp văn hoá, đời sống của Bắc Bộ vừa phóng khoáng như Thị Màu, vừa nho nhã khiêm nhường hy sinh chịu đựng như Thị Kính. Bên cạnh đó vẫn có những màu sắc cuộc sống vui vẻ hài hước của mẹ Đốp hay những anh hề chèo. Có “Thạch Sanh” có “Lý Thông” đủ cả các cung bậc nhưng được diễn tả dưới ngôn ngữ Chèo đầy bản sắc. 

Và vì thế, còn gì hay hơn việc tôn vinh những bản sắc dân tộc của mình, của văn hoá Việt qua thời trang, một loại hình nghệ thuật đương đại. Để như một bản tình ca được phối lại với nhưng âm hưởng mới lạ và cập nhật với cuộc sống hôm nay.