Nữ kiến trúc sư chiến thắng ung thư nhờ niềm tin, điều trị ở trong nước

Mr Ti

Sự phát triển của y học hiện đại mở ra nhiều hy vọng cho các bệnh nhân không may mắc phải căn bệnh đã từng được xem là “án tử”.

Ngày càng có nhiều người bệnh dũng cảm chiến đấu và chiến thắng căn bệnh này. Tuy nhiên, cuộc chiến ấy không hề dễ dàng, người bệnh cần sự đồng hành, tiếp sức của cả người thân cũng như sự tận tâm của đội ngũ y bác sĩ trên hành trình tìm cơ hội sống.

Trường hợp của chị Nguyễn Thị Lan (56 tuổi, Tp.HCM) bị ung thư thượng thanh môn là một trong những câu chuyện điển hình: chiến thắng ung thư nhờ sự hậu thuẫn của người thân, sự tận tâm của đội ngũ y tế và trên hết niềm tin của chị vào y học hiện đại và người bác sĩ điều trị cho mình.

Gia đình: điểm tựa vững chắc để bệnh nhân chiến đấu với bệnh tật

Chị Nguyễn Thị Lan là một nữ kiến trúc sư tâm huyết với nghề. Từng du học Pháp ngành kiến trúc, chị gầy dựng được một sự nghiệp vững chắc được bạn bè và đồng nghiệp yêu quý. Đang lúc công việc hanh thông, chị bất ngờ phát hiện mình bị ung thư thượng thanh môn giai đoạn 2. Chị suy sụp hoàn toàn, cảm giác mọi thứ đã chấm hết, tự nhốt mình vào phòng kín, quyết định âm thầm đón nhận “án tử”. 

Rất may, người thân trong gia đình biết chuyện, đã cùng động viên, khích lệ chị đi điều trị thay vì buông xuôi. Đặc biệt, chị ruột là Nguyễn Thị Thu Thuỷ đã tìm mọi cách vực dậy tinh thần cho em gái. 

Nhờ chị gái kề bên, từng bước “mở khóa” cánh cửa vô hình ngăn cách chị với mọi người, chị Lan dần nhận ra rằng mình buông xuôi thì quá dễ, nhưng như vậy sẽ tội nghiệp cho những người còn sống, đặc biệt với con nhỏ khi đó mới học lớp 9, rất cần có mẹ làm điểm tựa để lớn lên. 

Từng định buông xuôi, chị Lan cuối cùng đã tới điều trị tại Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng (Ảnh: FV)

Chính tình yêu thương của những người xung quanh và nỗi lo cho hai con đã giúp chị có động lực và sức mạnh để cùng các bác sĩ tại Trung tâm điều trị Ung thư Hy Vọng, bệnh viện FV bước vào cuộc chiến chống ung thư đầy gian nan, thử thách.

Niềm tin – sức mạnh chiến thắng ung thư

Người điều trị trực tiếp cho chị Lan cách đây hơn 3 năm là Bác sĩ Basma M’Barek – Trưởng Trung tâm điều trị Ung Thư Hy Vọng. Chị Lan nhanh chóng cảm mến và tin tưởng bác sĩ Basma khi cô ân cần, tư vấn tỉ mỉ và cho bệnh nhân hình dung về một lộ trình điều trị chi tiết. Bác sĩ Basma cho chị biết rõ sẽ phải đối mặt với những khó khăn gì, và làm gì để vượt qua những khó khăn đó… Chính vì vậy, khi em trai của chị bên Úc đã đặt vé máy bay và hẹn bác sĩ cho chị qua Singapore điều trị, song chị quyết định không đi mà ở lại Việt Nam điều trị, trao toàn bộ niềm tin và sinh mạng của mình cho đội ngũ nhân viên y tế tại Trung tâm điều trị Ung thư Hy Vọng. 

Với giai đoạn 2 của bệnh ung thư thượng thanh môn ở chị Lan, bác sĩ Basma lên phác đồ điều trị gồm 33 tia xạ, và 20 lần hóa trị. Đó là khoảng thời gian đầy khó khăn của chị Lan khi phải trải qua nhiều đớn đau về thể xác.

Một trong những sự cố mà chị Lan còn nhớ mãi đó là khi chị bị hoại tử da sau xạ trị. Khu vực xạ trị ở cổ bị nhiễm trùng, mỗi lần xạ lại phải rửa vết thương, với biết bao đau đớn. “Nhiều khi tôi khóc, nói với mọi người là muốn buông luôn cho rồi. Nhưng chấm hết cho mình thì dễ quá, mà tội 2 đứa con mình quá…”, chị Lan bồi hồi nhớ lại. 

Bác sĩ Basma khi đó rất trăn trở trước tình trạng hoại tử da của bệnh nhân. Chị Lan còn nhớ mãi cái nắm tay ân cần và giọng nói chân thành và đầy suy tư của nữ bác sĩ người Pháp: “Tôi không hiểu tại sao vết thương của bà không lành. 3 đêm nay tôi không ngủ được. Tôi phải tìm ra được lý do để trị cho bà”. Những lời nói và tình cảm của bác sĩ Basma khiến chị rưng rưng cảm động.

Bác sĩ Basma đồng hành sát sao với bệnh nhân (Ảnh: FV)

Bác sĩ Basma cho biết, cô đã phải trăn trở nhiều đêm, nghiên cứu các tài liệu y văn của thế giới và cuối cùng đã tìm ra được lý do: sức đề kháng của chị quá yếu, đến mức trong máu không có chất làm lành vết thương. Bác sĩ Basma chỉ định truyền huyết thanh cho bệnh nhân. Và rất may mắn, chỉ 2 ngày sau vết thương tự lành. Với chị Lan đây quả là một điều kỳ diệu! Chị vui mừng khi niềm tin của mình đã được đặt đúng chỗ!

Chị Lan được sự quan tâm của gia đình và sự đồng hành của đội ngũ nhân viên y tế tại FV suốt thời gian điều trị bệnh (Ảnh: FV)

Bác sĩ Basma cùng đội ngũ y bác sĩ tại Trung tâm điều trị Ung thư Hy Vọng đã đồng hành với bệnh nhân Nguyễn Thị Lan cho tới khi mọi tế bào ác tính trong cơ thể chị được tiêu diệt hoàn toàn. Đến nay, đã gần 4 năm trôi qua, chị Lan trở về với cuộc sống bình thường. Những ai gặp một Nguyễn Thị Lan hiện tại – khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng – sẽ không thể hình dung được chị từng bị ung thư làm kiệt quệ sinh lực, khiến chị từng muốn buông xuôi, đầu hàng số phận. 

Mỗi lần nhớ về biến cố xưa, chị thầm cảm ơn thời khắc chị dũng cảm đứng lên kịp lúc để chiến đấu chống lại căn bệnh ung thư vốn luôn bị coi là án tử. Chị cũng cảm nhận được mình may mắn có được điểm tựa là những người ruột thịt, và đặc biệt là tìm được một e-kip y bác sĩ tay nghề cao, giàu tâm huyết, giúp chị vượt qua được cửa tử. 

Theo chị Nguyễn Thị Lan, bí quyết chiến thắng ung thư là phải tin tưởng vào bác sĩ điều trị (Ảnh: FV)

Mỗi khi có người hỏi chị bí quyết nào để chiến thắng ung thư, chị Lan trả lời: “Hãy tin tưởng bác sĩ của mình! Mình tin tưởng thì bác sĩ mới làm mọi cách, mọi khả năng để tìm ra cách chữa bệnh cho mình”. Điều này tưởng chừng như đơn giản, nhưng trong tình cảnh “có bệnh thì vái tứ phương”, nhất là khi gặp sự cố ngoài mong muốn, niềm tin ấy rất dễ bị bào mòn, bệnh nhân suy sụp và có nguy cơ làm hỏng lộ trình điều trị. 

Chị Lan đã làm gì để nuôi dưỡng được niềm tin ấy để đi đến chiến thắng cuối cùng? Chúng ta cùng đón xem và tìm câu trả lời qua Chương trình talkshow “Nữ kiến trúc sư và hành trình chiến thắng ung thư” sẽ được phát sóng trực tiếp trên Fanpage/Youtube của Báo Thanh Niên vào lúc 20g00 ngày 24/9/2023.

Tham gia Talkshow có nữ kiến trúc sư Nguyễn Thị Lan, chị Nguyễn Thị Thu Thủy – người chị gái đồng hành với chị Lan trong suốt quá trình điều trị và bác sĩ Basma M’Barek – Trưởng Trung tâm điều trị Ung thư Hy vọng, Bệnh viện FV.

 Bên cạnh câu chuyện truyền cảm hứng về “nữ chiến binh K”, bạn đọc còn được giao lưu trực tiếp với bác sĩ Basma M’Barek – một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị ung thư. Đón xem chương trình tại link sau: 

https://www.facebook.com/events/272475822350593?ref=newsfeed