Thang Máy: Bài học cay đắng về sự tọc mạch, tình cảm gia đình bất ngờ lên ngôi .

Mr Ti

Sau thành công của Ròm và Tiệc Trăng Máu, thị trường phim Việt đang “hồi sinh” vô cùng nhộn nhịp và sôi động, đồng thời dần dần kích thích không ít khán giả trở lại rạp xem phim.

Vì lý do đó, Thang Máy trình làng như một món ăn tinh thần đúng nghĩa để phục vụ fan Việt nhân dịp lễ Halloween đang cận kề. Thế nhưng, không chỉ vì muốn “kịp deadline” mà Thang Máy trở thành một sản phẩm qua loa trôi tuột, trái lại vẫn truyền tải tốt ý tưởng của ekip cùng phần cốt truyện độc lạ rất hiếm được khai thác ở Việt Nam, đó là dựa trên một trò chơi tâm linh có thật.

Nội dung gây tò mò với trò chơi ma quái nổi tiếng

Bộ phim Thang Máy sở hữu dàn ekip khá “Tây” đứng đầu bởi đạo diễn kiêm biên kịch Peter Mourougaya. Chính vì thế, phim đã mạnh mẽ chinh phục một đề tài vẫn còn khá mới và hiếm gặp ở thị trường phim Việt. Những bi kịch trong phim được xây dựng dựa trên những lời đồn đoán về trò chơi thang máy (elevator game) vốn cũng rất nổi tiếng trong giới trẻ châu Á ngoài đời thực. Đây là một truyền thuyết đô thị (urban legend) nổi tiếng được cho là bắt nguồn từ Hàn Quốc và lan rộng khắp châu Á. Trong trò này, người chơi một mình vào thang máy, di chuyển qua các tầng theo luật để bước qua thế giới bên kia. Ở phim Thang Máy, nhân vật nữ chính Trang (Yu Dương) là người đã chứng kiến nhiều biến cố rùng rợn xảy ra với bản thân và cả những người thân yêu chỉ vì lỡ tham gia vào trò chơi bí ẩn này.

Xuyên suốt bộ phim, Peter Mourougaya đã làm khán giả tò mò, tập trung để tìm hiểu ngọn nguồn về trò chơi thang máy. Từ luật lệ, địa điểm đến những điều nên – không nên làm trong quá trình chơi, mọi thứ đều được truyền tải dễ hiểu, thẳng thắn và trực quan giúp người xem không mất nhiều thời gian để nắm được những gì đang diễn ra. Phim còn xây dựng hai tuyến thời gian quá khứ – hiện tại chồng chéo lên nhau, từ đó tạo nên một nền tảng nguyên nhân đủ vững để các nhân vật chịu dấn thân vào một thử thách vốn phần nhiều là không mang lại kết quả tích cực.

Dàn diễn viên lăn xả, Yu Dương tỏa sáng

Dự án kinh dị lần này không hề lợi dụng danh tiếng trò chơi để câu kéo khán giả mà vẫn lồng ghép song song đó những tuyến nhân vật với những câu chuyện riêng hấp dẫn. Yu Dương là cái tên nổi bật hơn cả không chỉ vì “hào quang nữ chính” mà còn đến từ lối diễn tự nhiên, không cầu kỳ hóa nhưng vẫn làm người xem tin được bản thân đang trải qua một cơn ác mộng khủng khiếp. Cô nàng đã thật sự chứng minh được khả năng diễn xuất của mình vẫn cháy mạnh mẽ dù đã 8 năm trôi qua kể từ siêu phẩm kinh dị Lời Nguyền Huyết Ngải.

Bên cạnh đó, các tuyến nhân vật phụ như cô bạn thân Ngọc (Mai Bích Trâm), dượng Sơn (Xuân Hiệp), mẹ của Trang (Kiều Trinh) và bạn học Jina (Tống Yến Nhi) đều làm khá tốt nhiệm vụ xây dựng sự phát triển cảm xúc của nữ chính. Các diễn viên vô cùng nhiệt tình lăn xả, không ngại bối cảnh bệnh viện bỏ hoang lạnh lẽo, xập xệ để hoàn thành thật xuất sắc các cảnh quay của mình. Kết quả, một Thang Máy đủ bí hiểm, đủ thực tế và đủ quỷ dị ra đời và hoàn toàn có thể giữ chân khán giả bằng tất cả những gì phim sở hữu.

Hình ảnh và âm thanh đều nhuốm màu rùng rợn, tạo hình phản diện cũng gây choáng không kém

Đã điểm mặt dàn nhân vật “con người” thì không thể thiếu cái tên khiến khán giả xôn xao nhất về Thang Máy – người phụ nữ bí ẩn. Địa bàn của cô ta là ở tầng 5, cũng là đích đến của trò chơi thang máy để thử thách những kẻ cả gan dám bén mảng đến thế giới bên kia. Xung quanh nhân vật này có vô số những điều thú vị và kinh hãi, từ đó buộc ekip phải xây dựng phần tạo hình thật sắc sảo và thể hiện đúng và đủ dụng ý của bộ phim. Và họ đã thành công nhờ tài năng của Bradley Greenwood – chuyên viên tạo hình nổi tiếng Hollywood từng làm nên chất lượng của Aquaman nhà DC và Kong: Skull Island. Cái tên ấy, thành tích ấy là bảo chứng để người xem có thể yên tâm về phần ngoại hình của phản diện Thang Máy.

Là một bộ phim kinh phí thấp nhưng không vì thế mà phần đầu tư sản xuất của Thang Máy bị hạn chế. Mặt hình ảnh và màu sắc của phim vẫn vô cùng chỉn chu, cảnh cả tòa nhà chìm trong khói sương chiều tà hay sự xuất hiện của mụ ác nữ dưới ánh đèn đỏ rực chắc chắn sẽ làm bất cứ ai phải rùng mình khi xem. Ngoài ra, cách xây dựng từng tầng lầu một nơi nhân vật đi qua trong trò chơi cũng riêng biệt và độc nhất. Khi các nhân vật đối đầu nhau, các góc quay rung lắc được tận dụng hợp lý, tạo hiệu ứng hình ảnh cao làm mạch phim thêm phần giật gân và khó đoán. Bên cạnh phần nhìn, âm thanh cũng là điểm đặc sắc phải nhắc đến khi không bị lạm dụng để hù dọa người xem thót tim. Yếu tố này được chạy ngầm, đóng vai trò thúc đẩy cảm xúc, nội tâm và hành động của dàn nhân vật được thăng hoa.

Tạm kết

Thang Máy không phải một bộ phim kinh dị xuất sắc và tầm cỡ, chắc chắn là vậy. Phim vẫn còn vài điểm thiếu sót dễ thấy ở một tác phẩm có thời lượng vỏn vẹn 80 phút. Phần lời thoại có đôi chỗ khiên cưỡng, chưa được tự nhiên, vài cảnh chuyển hơi rời rạc, đứt đoạn. Thêm vào đó, đoạn kết được xây dựng nhân văn, ý nghĩa theo lối mở nhằm tôn vinh giá trị tình thân có thể sẽ khó chiều lòng một bộ phận khán giả.

Tuy nhiên, không thể không dành lời khen ngợi khi đây là bộ phim kinh dị Việt duy nhất ra rạp trong mùa Halloween năm nay, mạnh mẽ đối mặt với hàng loạt siêu phẩm khác đến từ nước ngoài. Đó chắc chắn là thành công lớn nhất đối với ekip Thang Máy được kết tinh từ việc liều mình tách khỏi dòng chảy phim kinh dị Việt hiện nay, thẳng thắn khai thác một trò chơi, thử thách “chẳng ai dám làm” nhưng không ai là không muốn xem.