Hành trình về Hà Nội ăn tết của một giảng viên đại học U80 cùng cô con gái U40 và 1 chú mèo lệch hàm, cùng nhau lái xe xuyên Việt, thưởng thức cảnh đẹp Việt Nam, uống trà, tâm sự.
Chắc hẳn là sẽ có hai luồng cảm xúc đối nghịch nhau giữa những người được hỏi câu này. Có người sẽ trả lời với cảm xúc hồ hởi, ngóng chờ được quay về với gia đình sau một năm làm việc vất vả, những cũng sẽ có không ít những “nốt trầm” trong câu trả lời của những người con mưu sinh xa quê chưa thể về đón tết cùng gia đình.
Nếu bạn là thuộc nhóm đầu tiên thì xin chúc bạn có một cái Tết đầm ấm bên gia đình, còn nếu bạn phải ở lại thành phố để làm việc thì hãy để mình mang bạn theo qua những thước phim của “Hành Trình Minh và Ping” nhé.
Cô Vũ Thúy Minh và Nguyễn Vũ Quỳnh Châu
Trong chặng hành trình xuyên suốt mảnh đất Việt Nam hình chữ S này, chúng ta sẽ gặp mặt 3 nhân vật chính:
Cô Vũ Thúy Minh (73 tuổi), hiện đang là giảng viên Mỹ Học – trưởng khoa Văn Hoá Đại Cương, Đại Học Văn Hoá TP. Hồ Chí Minh. Trong chuyến đi này, cô sẽ chịu trách nhiệm to lớn là thưởng thức cảnh đẹp, uống trà và tâm sự. Đây sẽ là nhân vật mang đến nhiều câu chuyện và lời khuyên bổ ích cho người xem xuyên suốt chặng đường.
Tiếp đến là Ping, 1 chú mèo không may bị bệnh lệch hàm thái dương TMJ từ năm 1 tuổi. Ping không ăn hạt hay pate được như những bé mèo khác. Mỗi bữa đều phải xay pate thành nước loãng cho Ping liếm, ngày ăn 4 bữa. Chăm sóc Ping khá cực nên mỗi lần đi đâu vài ngày mà không nhờ được ai qua chăm là chị Châu đều phải đưa Ping theo.
Và thứ 3 là Nguyễn Vũ Quỳnh Châu (37 tuổi), là người làm việc trong lĩnh vực giải trí và từng đảm nhận vị trí tại các công ty và tập đoàn truyền thông, giải trí, sản xuất lớn tại Việt Nam cũng chính là host của series Minh & Ping. Chị Châu là người sẽ chịu trách nhiệm lái xe trên suốt chặng đường từ Nam ra Bắc cho Minh và Ping.
Ngoài 3 nhân vật trên, chuyến đi sẽ được bổ sung thêm những người bạn đồng hành với nhiệm vụ sản xuất ra những thước phim và chiếc ảnh xinh xắn để gửi đến mọi người. Những nhân sự đảm đương trọng trách này bao gồm:
Tidus Fair Supertramp’s Works (31 tuổi), hiện đang là nhà làm phim, nhiếp ảnh gia, hoạ sĩ tự do. Anh còn là người hoạt động tích cực trong lĩnh vực cứu hộ động vật và là một người ăn chay trường gần 20 năm.
Thứ 2 là Tiểu Chí (26 tuổi), cậu bạn là một nhiếp ảnh gia, quay & dựng video tự do. Một người giàu tình cảm và chăm chỉ trong công việc.
Và cuối cùng, người sẽ đảm nhận trách nhiệm chăm sóc Minh và Ping là Ngọc Diệu (22 tuổi), một cô bạn giỏi gia chánh và rất biết cách quan tâm mọi người.
5 con người và 1 chú mèo sẽ cùng nhau chu du trên đoạn đường dài hơn 1590km bằng con xe 7 chỗ được trang trí với hàng loạt logo của các nhãn hàng tài trợ như Klook, Columbia, Crocs Vietnam, Adidas VN, Messi Jeans Vietnam, Wester Digital Việt Nam, Master Car Care, Bliss Hoi An Beach Resort & Wellness,…
Hành trình của Minh và Ping sẽ chia làm 2 chặng. Chặng đầu tiên sẽ là chuyến xe về quê đón Tết, khởi hành vào sáng ngày 5/1 tại Hồ Con Rùa -TP. Hồ Chí Minh và dự kiến sẽ cập bến “cổng nhà” – Hồ Hoàn Kiếm vào ngày 14/1. Trên đường đi, xe sẽ dừng nghỉ chân 1 hoặc 2 ngày tại 5 điểm là Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Hội An, Quảng Bình và Thanh Hóa – Pù Luông. Ở mỗi điểm dừng, cả nhóm sẽ dành thời gian để khám phá những điều thú vị và mới lạ của vùng đất ấy.
Chặng thứ 2 là chuyến du xuân của Gia Đình Sến Xẩm. Đây là đại gia đình của cô Minh và Quỳnh Châu, gồm 3 thế hệ với 50 thành viên lớn nhỏ, điểm đặc biệt là hầu hết mọi người đều làm nghệ thuật và luôn yêu thương nhau tuyệt đối. Ở chặng này Gia Đình Sến Xẩm sẽ cùng nhau đi du xuân, thưởng ngoạn cảnh đẹp, trải nghiệm ẩm thực các tỉnh phía Bắc.
Trong ngày đầu tiên, thời tiết có chút hơi hờn dỗi khi cứ mưa mãi không ngớt, 5 người cùng một chú mèo bắt đầu đoạn đường đầu tiên từ Hồ Con Rùa để đến khu du lịch Chou Sin – Bình Phước (khu du lịch rộng 500 hecta). Tại đây, mọi người nghỉ ngơi, ăn trưa, sau đó đi hái bưởi và lái xe tham quan xung quanh. Đến khi tối, cả đoàn nghỉ chân tại Buôn Ma Thuột, ai nấy đều bất ngờ trước cái lạnh của vùng đất Tây Nguyên này. Qua ngày thứ 2, đoàn di chuyển đến nhà của một vài người quen để thăm hỏi, trò chuyện. Những câu chuyện xưa cũ mà chỉ có những người sống gần một thế kỉ mới biết, khi ra về, cô Minh còn được tặng một đôi găng tay len rất dày, đi đường cho đỡ lạnh. Tạm biệt mọi người, cả đoàn lại tiếp tục lên xe thẳng tiến đến Măng Đen, nơi được mệnh danh là Đà Lạt của Tây Nguyên.
Để tăng thêm phần thú vị cho Hành Trình Minh & Ping, chị Châu đã ngỏ lời mời hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng góp mặt trong chuyến đi. Có thể kể đến những cái tên đình đám như ca sĩ Hà Lê, Phạm Quỳnh Anh, Đông Nhi, Trang Pháp, Nguyễn Trần Trung Quân, Táo, diễn viên hài độc thoại Uy Lê,… những khách mời này sẽ lần lượt xuất hiện trong suốt chặng hành trình của Minh và Ping.
Chia sẻ về lý do bắt đầu dự án này, Châu kể: “Trong một buổi tối không có mặt trời, mẹ Minh đã thủ thỉ với mình mấy câu thâm tình mà mình có thể nhớ lại như sau: ‘Minh yêu Sài Gòn hoa lệ lắm nhưng không sao quên được cái se lạnh mà ấm áp của cái tết Hà Nội. Minh nhớ Hà Nội rồi, Minh muốn trở về chốn đô thành cổ kính và hồi tưởng về một thời thơ ấu đầy kỷ niệm’. Vậy là chuyến đi này ra đời.”
Một thông tin thú vị nữa, dù gọi là mẹ nhưng cô Minh lại không phải là mẹ ruột của chị Châu. Người giảng viên U80 chính là chị ruột của mẹ Châu. Cô không kết hôn mà thay vào đó nhận nhận 2 đứa con của em mình là con và chăm sóc từ bé đến lớn. Gia đình của Châu ở Hà Nội, nhưng đến khi lên đại học, chị được mẹ Minh đưa vào Sài Gòn sinh sống và làm việc đến hiện tại.
Khi nói về Hành Trình Minh & Ping, Quỳnh Châu có chia sẻ rằng đây cũng là ước mơ 10 năm của chị, ước muốn được trải nghiệm cảm giác được tự lái xe từ Sài Gòn ra Hà Nội, và vui hơn cả chính là có thể đưa người thân yêu của mình cùng đi.
Dự án Hành Trình Minh & Ping không chỉ đơn thuần là một chuyến đi xuyên Việt, một cuộc du Xuân chóng vánh mà còn muốn lan toả những thông điệp ý nghĩa.
Mỗi con người khi lớn lên, có người ra đi, có kẻ ở lại, nhưng dù đi đâu, làm gì thì khi chùn chân mỏi gối ta cũng sẽ đều hướng về chốn bình yên vẫn luôn có những người yêu thương ngóng chờ. Nơi ấy gọi tắt bằng 2 chữ “Gia Đình”.