Tiến sĩ Tâm lý Tô Nhi A khẳng định bản thân chưa từng bị lừa đảo trên mạng

Mr Ti

Trong tập 103 Kính Đa Chiều, Tiến sĩ Tâm lý Tô Nhi A giải thích lý do nhiều người hiện nay vẫn bị lừa đảo trên không gian mạng dù các cơ quan cảnh báo nhiều lần là vì liên quan các vấn đề tâm lý khác như tâm lý muốn làm giàu nhanh chóng.

Mở đầu chương trình Kính Đa Chiều với chủ đề Mạo danh trên mạng xã hội, đạo diễn Lê Hoàng kể chuyện bản thân bị cắt ghép hình ảnh để lồng vào các phát ngôn gây tranh cãi. Dù nam đạo diễn nhiều lần lên tiếng đính chính nhưng sự việc vẫn tiếp tục tái diễn. Vì vậy, host chương trình Kính Đa Chiều – đạo diễn Lê Hoàng khẳng định việc mạo danh trên không gian mạng rất nguy hiểm, đặc biệt là những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng.

Tiến sĩ Tâm lý Tô Nhi A đồng quan điểm với đạo diễn Lê Hoàng khi cho rằng những người sức ảnh hưởng là đối tượng bị hướng đến đầu tiên. Đây cũng là cái giá phải trả cho sự nổi tiếng. Từ đó, sự ra đời của những chế tài là cần thiết, dù những chế tài này vẫn chưa xử lý vấn đề được triệt để, nhưng nếu không có quy định chế tài thì sự việc sẽ còn khủng khiếp hơn.

Đạo diễn Lê Hoàng bày tỏ hiện nay một số ý kiến nhận xét chế tài trên không gian mạng không đuổi kịp với sự phát triển của các tin giả, mạo danh hay các chiêu thức lừa đảo. Theo báo cáo về tình trạng lừa đảo qua mạng tại Việt Nam năm 2023, trong tổng số 53 tỷ USD toàn cầu bị lừa đảo qua mạng thì có gần 16 tỷ USD của người Việt bị chiếm đoạt. Dù các cơ quan đã cảnh báo nhiều lần với các hình thức khác nhau nhưng người dùng internet vẫn bị lừa vì các thủ đoạn ngày càng phát triển và tinh vi.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Tâm lý Tô Nhi A nghĩ rằng không nên quá lo lắng và cần phải nhìn nhận vấn đề một cách khách quan về cuộc rượt đuổi giữa thiện và ác, giữa một bên phòng vệ và một bên phá hoại. Nữ khách mời chia sẻ: “Đây là vấn đề muôn thuở của loài người. Việc rượt đuổi đương nhiên phải xảy ra vì cái ác không thể đứng yên để bị trừng trị. Vì vậy chúng ta cũng không thể đứng yên để tin rằng đã đủ an toàn”.

Theo Tiến sĩ Tâm lý Tô Nhi A, việc lừa đảo trên mạng xã hội còn liên quan đến cơ chế tâm lý của người dân. Không gian mạng chỉ là một công cụ để kẻ xấu dùng để lừa đảo. Nếu không có internet thì kẻ xấu vẫn có thể lừa đảo bằng cách khác. Vì vậy, việc bị lừa đảo liên quan đến những vấn đề tâm lý khác. Nữ Tiến sĩ Tâm lý lấy ví dụ: “Chẳng hạn lừa đảo trên không gian mạng xuất phát từ tâm lý muốn làm giàu nhanh. Khi bạn không muốn làm giàu nhanh thì bị lừa rất khó vì bạn biết rằng bất cứ cái gì cũng phải có lao động”.

Khách mời Tô Nhi A bày tỏ sự may mắn vì bản thân đến hiện nay vẫn chưa bị lừa nhờ hai căn nguyên cơ bản. Đầu tiên, Tiến sĩ Tâm lý Tô Nhi A không tin có gì trên đời dễ dàng kiếm được lợi, mọi loại hình lao động đều phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt”. Thứ hai, nữ khách mời không làm chuyện phạm pháp, dòng tiền minh bạch nên không sợ nhận những cuộc gọi mạo danh cơ quan điều tra đe dọa niêm phong tài sản nhằm mục đích tống tiền. Tiến sĩ Tâm lý Tô Nhi A khẳng định: “Tức là khi chúng ta đúng thì chúng ta không sợ. Điều này có nghĩa nếu bạn bị lừa thì phải dính với những vướng mắc tâm lý khác”.

Trở lại với vấn đề lừa đảo trên không gian mạng, Tiến sĩ Tô Nhi A đề cập đến thực trạng người bị hại không có thói quen đối diện với pháp lý để xử lý vấn đề. Khi bị tấn công trên mạng xã hội, nhiều người thường chọn cách im lặng cho qua hay tìm người thân, bạn bè để giải tỏa sự ấm ức hoặc bật khóc, tìm cách suy nghĩ khác đi và bỏ qua,… Chính vì người bị hại không sử dụng công cụ pháp lý như một vũ khí chính thức tạo nên sự dung dưỡng cho những người có hành vi tấn công vì họ xem đây là một chuyện rất bình thường.

Bên cạnh đó, việc đồng bộ thực hiện chế tài trong đời sống thật cũng rất quan trọng. Vì một tài khoản trên mạng xã hội do một người vận hành. Ngoài đời, người đó thuộc về một khu phố, cộng đồng. Vì thế trong đời sống thật của khu phố, cộng đồng đó phải đủ chế tài mang tính nội bộ để giám sát hành vi này.

Cuối cùng là sự vận hành của luật an ninh mạng. Vì luật an ninh mạng vẫn còn nhiều “lỗ hổng” chưa được chặt chẽ nên mỗi người dùng mạng xã hội phải tự trở thành dũng sĩ để bảo vệ bản thân bằng cách đối diện với vấn đề thay vì thỏa hiệp, tạo nên sự dung dưỡng cho hành vi tấn công trên không gian mạng.

Theo quan sát của Tiến sĩ Tô Nhi A trong phạm vi đời sống cá nhân thì những người có đời sống thực hạnh phúc, có ý nghĩa thì sẽ ít vướng phải những tình trạng như vậy và họ cũng không có nhu cầu tấn công bất kỳ ai. Vì vậy, Tiến sĩ Tâm lý Tô Nhi A cho rằng quan trọng nhất vẫn là mỗi người quay trở về với đời sống thật một cách lành mạnh và cân bằng.

Kính Đa Chiều là chương trình talkshow sở hữu format mới lạ và đầy hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng của Kính Đa Chiều sẽ cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều thông qua những cuộc đối thoại sâu sắc, thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc.

Kính Đa Chiều – chủ đề tiếp theo Nghề diễn viên đóng thế với sự tham gia của host Minh Đức và đạo diễn hành động Văn Hải sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 10/6 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.