Tiến sĩ Tô Nhi A cảnh báo phụ nữ không nên ly thân

Mr Ti

Tập 3 Chị Em Gỡ Rối sẽ gỡ rối các vấn đề xoay quanh chủ đề Con cái là sợi dây, với sự đồng hành của cố vấn Tiến sĩ Tâm lý Tô Nhi A, Luật sư Dương Ánh Nga và MC Phương Uyên.

Ở câu chuyện đầu tiên, chị T gọi điện thoại về chương trình và bày tỏ nỗi lòng về cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Chị T và chồng quyết định ly thân sau 9 năm chung sống vì không còn hòa hợp. Trong giai đoạn ly thân, người chồng thường xuyên cập nhật hình ảnh thân mật, đi du lịch cùng nhân tình và con riêng của cô ta. Điều khiến chị T bối rối là khi cặp đôi thỏa thuận trong thời gian ly thân, người chồng sẽ chu cấp mỗi tháng 6 triệu để chị nuôi hai con, thế nhưng trong thời gian dài, chị chưa nhận được hỗ trợ từ chồng của mình.

Theo góc nhìn của luật sư Dương Ánh Nga, chị nhấn mạnh: “Tại sao không ly hôn để phát sinh quyền và nghĩa vụ của người chồng? Vì khi ly thân, người chồng hoặc vợ chưa có trách nhiệm phải cấp dưỡng, mà chỉ có nghĩa vụ chăm sóc con cái, còn những quy ước là vợ chồng tự thỏa thuận với nhau. Vậy xét trên góc độ pháp lý, nghĩa vụ cấp dưỡng trong trường hợp này là không, vì không có cơ sở để cưỡng chế thi hành án”.

Lắng nghe câu chuyện của chị T, Tiến sĩ Tô Nhi A hoàn toàn ủng hộ chị T mạnh mẽ ly hôn vì cuộc hôn nhân không thể cứu vãn. “Hành động anh chồng thường xuyên cập nhật ảnh đi du lịch cùng nhân tình và con riêng của cô ấy là thấy rõ không còn muốn hàn gắn với chị T. Nếu như một người muốn quay lại, họ không hành động như vậy”, tiến sĩ bày tỏ.

Khi hôn nhân của chị T không thể cứu vãn, để giúp khách mời gỡ rối, luật sư Dương Ánh Nga tập trung giải thích về tiền cấp dưỡng hậu ly hôn. Giải đáp khuất mắc của chị T khi không nhận được tiền cấp dưỡng từ chồng, nữ luật sư cho biết: “Quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng phụ thuộc vào sự tự nguyện và khả năng tài chính của người chồng. Nếu họ không có tài sản để cưỡng chế, cũng không tự nguyện thì sẽ rất khó. Khi đó, người vợ có thể yêu cầu cơ quan thi hành án thực hiện các biện pháp đảm bảo và cưỡng chế về việc thi hành án. Trong đó có hai biện pháp phổ biến nhất mà tôi hay tư vấn cho thân chủ của mình là phong tỏa tài khoản ngân hàng và cấm xuất cảnh với những người có nhu cầu làm việc và đi nước ngoài thường xuyên. Ít ra các biện pháp đó có thể làm cho họ phải cấp dưỡng cho con để làm việc”.

Theo Tiến sĩ Tô Nhi A, có không ít trường hợp hoàn thành thủ tục ly hôn, có phán quyết của tòa án và hồ sơ chuyển qua thi hành án nhưng hiếm hoi người vợ nhận được tiền cấp dưỡng từ chồng. Vì thế tiến sĩ cho rằng, các người vợ nên trong trạng thái chủ động, tập trung tâm sức vào vấn đề nuôi dạy con cái và tổ chức lại cuộc sống một cách độc lập.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Tô Nhi A nhắn nhủ đến người xem nên cẩn trọng khi chọn giải pháp ly thân và không khuyến khích lạm dụng cách ly thân khi hôn nhân đang gặp vấn đề. Giải thích về quan điểm này, chị nói: “Thông thường, người đàn ông không hiểu ly thân là cứu vãn, mà họ hiểu đó là bước đệm của việc ly hôn, thế nên họ chuẩn bị cho một mối quan hệ mới. Ngược lại, người phụ nữ hiểu rằng ly thân là cứu vãn. Vì vậy, khi chọn cách ly thân, các bạn phải định nghĩa quan điểm rõ với nhau và hiểu rằng ly thân để làm gì”.

Câu chuyện thứ hai, chị K và chồng kết hôn sau 10 năm yêu nhau nhưng chưa đầy 1 năm chung sống, cặp đôi quyết định “đường ai nấy đi” vì không cùng tiếng nói chung. Trong thời gian hoàn tất thủ tục, chị K phát hiện mang thai và vẫn để chồng cũ đứng tên cha của đứa bé trong giấy khai sinh. Tuy nhiên, chị K không ít lần ngăn cản chồng cũ thăm nom con. Hiện tại, chị K tái hôn và chồng mới muốn bảo lãnh mẹ con chị K sang Nhật định cư nhưng chồng cũ nhất quyết phản đối. Chị K thấy hối hận vì quyết định để tên chồng cũ trong giấy khai sinh của con.

Trước câu chuyện của chị K, luật sư Dương Ánh Nga bày tỏ sự khó hiểu khi một cặp đôi đã yêu nhau suốt 10 năm lại quyết định chia tay với lý do đơn giản là “không hiểu nhau”. Đồng thời, nữ luật sư cũng thẳng thắn cho rằng việc chị K ngăn cấm chồng cũ thăm con là sai trái và chính điều này đã dẫn đến những hành động đáp trả từ phía anh.

Đồng quan điểm với luật sư Dương Ánh Nga, tiến sĩ Tô Nhi A phân tích rằng chất lượng giao tiếp của vợ chồng chị K trong suốt 10 năm yêu nhau là không hiệu quả. Bên cạnh đó, áp lực của cuộc sống hôn nhân cũng là một yếu tố dẫn đến đổ vỡ. Thậm chí, nữ tiến sĩ còn đưa ra một thực tế đáng suy ngẫm: “Có nhiều cặp đôi yêu nhau 10 năm, dù thấy có nhiều vấn đề nhưng vì lỡ yêu nhau quá lâu và chọn chia tay thấy kỳ, nên là ráng cưới”.

Với trường hợp của chị K, luật sư Dương Ánh Nga nhận định: “Nếu đối chiếu theo quy định của pháp luật, chị K phải để tên chồng cũ đứng tên trong khai sinh của đứa bé. Thậm chí không phải là con ruột về mặt sinh lý, hoặc trong thời gian ly hôn 300 ngày. Nếu không để tên chồng thì sẽ không làm được giấy khai sinh cho đứa bé”.

Theo Tiến sĩ Tô Nhi A, nếu không giải quyết về mặt pháp lý, chị K chỉ còn cách giải quyết dựa trên yếu tố tình cảm. Đối với trường hợp của chị K, nữ tiến sĩ gợi ý rằng chị nên tìm kiếm một người trung gian, tận dụng những mối quan hệ quen biết có ảnh hưởng đến chồng để anh mềm lòng, đồng ý để con theo mẹ. “Bạn có thể cho người chồng thấy được những cơ hội của con khi được chung sống với mẹ, điều kiện về mặt giáo dục, những trải nghiệm của con. Đó là cách duy nhất để người vợ có thể đưa con định cư nước ngoài. Ngoài ra, người vợ cũng nên hiểu đây là lúc cái tôi cá nhân phải dẹp bớt nếu mong muốn được ở gần con và đấu tranh cho quyền lợi của con”, Tô Nhi A chia sẻ.

Chị Em Gỡ Rối tập 4 tiếp theo sẽ được phát sóng vào lúc 19h35 Chủ Nhật 26/1/2025 trên VTV9. Chương trình do VTV9 và Jet Studio phối hợp thực hiện.