Trẻ giảm khả năng phản biện do phụ thuộc vào công nghệ

Mr Ti

Tuần này, Lời Cảnh Báo tiếp tục cập nhật những vấn đề nóng hổi, được dư luận quan tâm gần đây, bao gồm: Trẻ giảm khả năng phản biện do phụ thuộc vào công nghệ; Cẩn trọng khi mua đồ cũ qua mạng.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, chuyên gia tâm lý, cho biết: “Trí tuệ nhân tạo không làm suy giảm khả năng tư duy phản biện hay suy nghĩ độc lập. Vấn đề nằm ở chỗ, một số trẻ em và cả người lớn khi tiếp cận thông tin lại lười suy nghĩ, thiếu kỹ năng phản biện. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng ra quyết định và hiệu quả làm việc trong cuộc sống”.

Em Đ.C.T, học sinh tại TP.HCM, chia sẻ rằng em gặp khó khăn trong học tập do thiếu kỹ năng tư duy phản biện. “Tra Google rất nhanh nên em không cần suy nghĩ nhiều. Khi làm bài văn hay toán khó, em chỉ tìm mẫu hoặc bài giải rồi chép lại”, Đ.C.T. nói. Theo em, nhiều bạn cùng lớp cũng có thói quen tương tự: chỉ cần chép đáp án từ mạng và mang đến lớp. Khi được thầy cô hỏi lại, các em thường im lặng vì không hiểu rõ vấn đề.

Tương tự, em N.N.A, học sinh tại TP.HCM, thừa nhận rằng bản thân và nhiều học sinh hiện nay ngại tranh luận, phần vì đã quen với việc tra cứu nhanh thông tin trên mạng thay vì tự suy nghĩ: “Tụi em quen tìm đáp án hơn là tự đặt câu hỏi hay phản biện. Có lần trong giờ Ngữ văn, cô giáo hỏi về ý kiến trái chiều nhưng không ai giơ tay. Em nghĩ do tụi em không quen nhìn vấn đề theo nhiều góc độ”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh nhấn mạnh vai trò của phụ huynh trong việc định hướng con sử dụng AI đúng cách. Chị nói: “Hãy hỏi con xem con có cách trả lời nào khác không, hoặc theo con nghĩ góc nhìn này đã phù hợp chưa. Những câu hỏi này sẽ giúp trẻ phát triển tư duy phản biện và nhìn nhận đa chiều”. Chị cũng khẳng định: “Con người vẫn là chủ thể chính quyết định cách sử dụng công nghệ. Hãy xem AI là công cụ, đừng xem là đáp án duy nhất trong cuộc sống”.

Bác sĩ Đinh Thạc, Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng cha mẹ bận rộn, ít quan tâm đúng mức sẽ khiến trẻ bỏ lỡ các giai đoạn phát triển quan trọng. Theo ông, nếu được chọn lọc phù hợp, các trò chơi điện tử cũng có thể trở thành công cụ hỗ trợ học tập hiệu quả. “Trò chơi điện tử về ngôn ngữ hay đòi hỏi tư duy sẽ giúp trẻ cải thiện kỹ năng đọc, viết và phát triển nhận thức. Những trò chơi cần động não, đặc biệt là các trò chơi vận động đòi hỏi sự khéo léo sẽ giúp trẻ hoàn thiện các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống”, ông nhận xét.

Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do đài truyền hình Vĩnh Long phối hợp Jet Studio thực hiện.