Từng đổi dời hơn 5 mặt bằng khác nhau để duy trì cơ sở mat-xa nhưng việc kinh doanh ngày càng khó khăn, nợ nần khiến cặp vợ chồng khiếm thị ngậm ngùi gác lại ước mơ.
Chương trình Thần tài gõ cửa số 663 là chuyến vi hành của thần tài Đình Toàn và vợ thổ địa Bình Tinh đã về phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương để lắng nghe câu chuyện vượt khó của vợ chồng anh Lương Văn Hòa (1980) và chị Phan Thị Thùy Trang (1983).
Cả hai vợ chồng đều không còn nhìn thấy ánh sáng từ thuở nhỏ, thế nên chặng đường học văn hóa lẫn học nghề gặp vô vàn khó khăn. Ấy vậy mà vượt lên thử thách, đến nay vợ chồng anh Hòa đều có tay nghề mat-xa rất thành thạo. Đặc biệt, anh Hòa còn đam mê nghề nhạc công từ năm 12 tuổi. Vừa giỏi ghita vừa tự mài mò học organ, anh Hòa sớm tìm được việc làm thêm từ những buổi nhạc lễ, nhạc đám tiệc theo ban nhạc quen.
Năm 2010, hai vợ chồng kết hôn. Chị Trang rời quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh (nhà mẹ ruột) để về Bình Dương cùng anh Hòa viết ước mơ thành sự thật. Vậy là cửa tiệm mat xa đầu tiên mang tên “Thanh Hòa” dần thành hình với số vốn gần 50 triệu mà anh chị đã vay mượn khắp nơi.
Ban đầu, cơ sở chỉ có 6 giường mat-xa, nhưng khi chuyển sang mặt bằng lớn hơn, anh chị phải tăng cường thêm giường để tận dụng tối đa diện tích. Dần dần anh chị vay mượn thêm để sắm được 10 giường. Tuy nhiên việc kinh doanh không mấy dễ dàng khiến vợ chồng anh chị càng thêm bế tắc.
Anh Hòa nhớ lại: “Vài tháng cái chủ nhà lấy nhà lại, cứ tiếp tục đi vậy đó. Mình đi hoài cho đến chỗ thứ 3, nhà đó là cấp 4, vách bằng thạch cao rồi trời mưa nắng nó thấm nước hư hỏng hết rồi. Tiền trong túi 2 vợ chồng không đủ nên mới tiếp tục vay mượn bạn bè để sửa tiệm. Làm được vài tháng thì chủ nhà lại lấy nhà lại nữa. Nên thiếu nợ là do từ chỗ đó”.
Mười năm dài đằng đẵng, đổi dời đến mặt bằng thứ 6, 2 vợ chồng nuôi chí lớn nhưng lại hoài trắng tay. Con số vay mượn chồng chất hơn 100 triệu, lại thêm dịch bệnh bùng phát trong đời gian dài, anh chị đành ngậm ngùi từ bỏ ước mơ, đóng cửa tiệm.
Anh Hòa ngậm ngùi chia sẻ: “Mình đeo theo nghề hơn chục năm rồi, mà giờ phải đành bán từng món đồ mình từng mua phục vụ cho cái nghề của mình. Mua thì mắc chứ đến khi bán thì như bán ve chai thôi”.
Trong lúc khốn khó nhất, gia đình nhỏ nhận được sự giúp đỡ từ anh Phan Văn Vạn – một người khách quen lâu năm. Anh Vạn chia sẻ trước đây gia đình Hòa mướn nhà trọ ở trong kia, nó cũ kỹ, ẩm thấp, mùa dịch tới khổ sở không có cái ăn luôn. Thương cảm trước hoàn cảnh đó, anh Vạn vừa mua căn nhà cũ và sửa chữa lại rồi cho vợ chồng anh Hòa thuê đỡ trong thời gian khó khăn.
“Hòa không có vốn nên tôi giúp đỡ mua đồ nghề cho làm tới khi nào có điều kiện thì gửi lại tôi. Chỉ có điện nước là tới tháng 2 vợ chồng Hòa mới phải đóng cho người ta. Có tháng không có tiền gửi, tôi phải dùng tiền túi ra để đóng tiền điện nước giùm”, anh Vạn nói thêm.
Dù thất bại trong kinh doanh không biết bao lần nhưng trong lòng đôi vợ chồng khiếm thị vẫn không thôi ấp ủ mơ được một mai được gầy dựng lại cơ sở riêng. Vì ngoài việc tự nuôi sống bản thân, anh chị còn phải gồng gánh chặng đường học tập còn rất dài phía trước của con gái Lương Diễm My (2018), đang học mẫu giáo.
Thương cho cảnh nhà nợ nần chồng chất, cửa tiệm ước mơ không còn, gánh mưu sinh oằn nặng và hơn hết là chứng kiến nỗi buồn khi anh Hòa tâm sự đã bán đi hết số nhạc cụ mà mình có để trang trải lúc khó khăn, chương trình “Thần tài gõ cửa” đã kịp thời tìm đến giúp đỡ.