Dẫu có khó khăn, vợ chồng tại Lâm Đồng vẫn dặn lòng cố gắng làm nhiều công việc để đủ sức nuôi con. Không chỉ là người thợ may vén khéo, chị Sen còn là “nghệ nhân” cắm hoa trong lòng của bà con sống tại con hẻm nhỏ ở thành phố Bảo Lộc.
Chương trình Thần tài gõ cửa số 654 là chuyến vi hành đến phường Lộc Tiến, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng của thần tài Đình Toàn, thổ địa Quang Thảo và vợ thổ địa Ngọc Hoa. Tại đây, các vị thần đã trò chuyện với chị Nguyễn Thị Sen (1965) và chồng là anh Lâm Gia Long (1967).
Lập gia đình muộn năm 38 tuổi, người thợ may khiếm khuyết quê gốc thành phố Bảo Lộc càng dặn lòng phải ra sức làm lụng để cùng chồng sớm dựng xây mái ấm cho cả hai. Bởi hơn ai hết, chị biết với đôi chân tật nguyền do sốt bại liệt từ nhỏ của chị và chứng sức môi, hở hàm ếch, lãng tai của anh Long thì chặng đường tìm kiếm công việc ổn định sẽ chẳng dễ dàng.
Được người anh ruột thương tình cho căn nhà vốn là nơi trước đây dùng để nuôi gà, hai vợ chồng nghèo chính thức ra riêng khi con trai Lâm Gia Bảo (2004) được 3 tháng tuổi. Mỗi ngày, chị Sen lộc cộc may vá, anh Long lại miệt mài đi làm rẫy, nhổ cỏ mướn để tích góp từng đồng lời những mong sớm sửa sang được tổ ấm. Chị Sen chia sẻ: “Trước đây không có nhà vệ sinh, hơn 10 năm trời tôi phải đi xuống mười mấy bậc thang, băng qua con dốc rồi mới đến được nhà của anh trai để đi hộ. Mấy lần té trẹo chân (cười). Rồi hồi con trai được 5 tháng, mưa lớn gần tốc mái nhà, tôi lết lên ôm con mà khóc ròng. Giờ tuy phải vay mượn, còn nợ nần hơn mấy chục triệu nhưng chỉ cần có cái nhà là mừng”.
Vậy là 5 năm trời ròng rã mỗi lần sửa sang một ít, từ cái vách mục nát đến lót nền gạch rồi xây được phòng vệ sinh kiên cố… tổ ấm nhờ đó thành hình. Tuy nhiên, hết nỗi lo về nhà cửa thì gánh cơm áo gạo tiền lại ập đến. Gia Bảo ngày một lớn cần trang trải nhiều chi phí mà việc may vá của chị Sen ngày càng bấp bênh. Lại một lần nữa người mẹ nghèo đánh liều vay mượn thêm tiền để mua máy may công nghiệp thay cho cái máy may gia đình đã cũ, rồi cái máy vắt sổ cũ trị giá 500 ngàn cũng xuất hiện trong ngôi nhà của người thợ đầy nghị lực. Vừa đầu tư vào máy móc để cải thiện đường may không bao lâu dịch bệnh ập đến. Anh Long- chồng chị Sen, cũng chẳng thể tiếp tục công việc làm thuê. Con trai Gia Bảo lại bước chân vào năm học cuối cấp, cần nhiều chi phí ôn luyện, học tập.
Cảnh nhà một lần nữa rơi vào khó khăn. May mắn được nhà hảo tâm tặng 1 chiếc xe lắc điện, chị Sen nãy ra ý định học nghề mới. Chị nói: “Trong một lần mượn điện thoại của con, tôi thấy trên facebook có người nhận đào tạo cắm hoa online, tôi kể ra hoàn cảnh thì được thầy nhận dạy miễn phí. Lúc đó vừa được cho chiếc xe lắc điện nữa, nên tôi nghĩ là mình có thể kiếm được thêm tiền nhờ nghề cắm hoa. Lo lắng được gì cho gia đình thì mình làm thôi.”
Vậy là hành trình học nghề cắm hoa của chị bắt đầu. Đến nay mỗi ngày chị đều tranh thủ mua thêm các loại lá để trau dồi cách tạo kiểu. Vì không có nhiều vốn mua hoa nên những bài “thực hành” của chị đa phần từ những cành hoa dại.
Hiện nay vì không có nhiều nguồn vốn nên việc thu mua hoa và nguyên liệu còn khá đắt đỏ. Ở Bảo Lộc không có nơi trồng hoa, chị phải tìm mua ở các shop hoa với số lượng vừa đủ cho mỗi lần khách đặt hàng. Những nguyên liệu như sợi mây/ lát… phải nhờ chồng bắt xe bus về tận huyện Madagui tìm kiếm từng bó nhỏ. Mỗi bình hoa phải cắm ít nhất trong 2 tiếng đồng hồ nhưng người thợ nghèo chỉ lời được tầm 10 ngàn/ bình.
Tất cả cố gắng lấy công làm lời ấy cũng chỉ vì mong muốn nối dài việc học cho Gia Bảo. Với thành tích học sinh giỏi 12 năm liền, vừa qua Bảo cũng đã đậu đại học chuyên ngành Công nghệ thông tin của trường Đại học Công nghệ thực phẩm TP HCM. Vừa mừng, vừa lo, anh chị sắm cho con cái máy tính trả góp làm hành trang học hành, lặng lẽ dúi vào tay con 2 triệu đồng rồi nhìn con một mình rời quê nhà vào thành phố Hồ Chí Minh làm thủ tục nhập học, một mình tìm thuê trọ.
Dù lòng thương con nhưng với anh chị, số tiền mua vé vào TPHCM và chi phí sinh hoạt cho vài ngày ngắn ngủi theo con nơivùng đất mới cũng là bài toán chẳng hề giản đơn.
Chương trình Thần Tài gõ cửa kỳ 654, phát sóng lúc 19h10, Chủ Nhật hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài Truyền hình Vĩnh Long thực hiện.