Cụ thể, hôm 14/9 vừa qua Google đã xoá ứng dụng Funtoon ra khỏi Google Play. Ngay sau đó ngày 15/9, đến lượt App Store (Apple) cũng có động thái tương tự.
Nguyên nhân bắt đầu từ hồi cuối tháng 7, POPS (Hay còn gọi là POPS Worldwide) đơn vị kinh doanh nội dung số bản quyền ở Đông Nam Á có trụ sở ở TP.HCM, cho rằng trong tổng số truyện tranh Funtoon đăng tải có hơn 30 tác phẩm được POPS sở hữu độc quyền tại Việt Nam như “Ẩn Thế Hoa Tộc”, “Vương Gia 3 tuổi rưỡi”…POPS nhiều lần cố gắng liên hệ đơn vị chủ quản của Funtoon yêu cầu gỡ các nội dung vi phạm và gặp gỡ để giải quyết vụ việc nhưng không thành. Đơn vị chủ quản Funtoon nhiều lần trì hoãn việc gỡ các nội dung vi phạm cũng như không chịu gặp gỡ.
POPS đã gửi khiếu nại đến Google Play (Google) và App Store (Apple), đại diện các bên này yêu cầu POPS và Funtoon gửi bằng chứng bản quyền để đối chứng. POPS gửi các giấy tờ chứng minh và yêu cầu Funtoon gỡ toàn bộ truyện của do POPS sở hữu tại Việt Nam ra khỏi ứng dụng Funtoon, đồng thời gặp mặt tại văn phòng Công ty để trao đổi về vấn đề vi phạm bản quyền.
Ngày 3/8/2020, đại diện Công ty Cổ phần Công nghệ Techlab trả lời POPS qua email rằng chứng cứ bên POPS chưa thuyết phục và yêu cầu gửi kịch bản chi tiết của truyện tranh “Ẩn Thế Hoa Tộc”. POPS phản hồi bằng công văn xác nhận từ chủ sở hữu bộ truyện là Công ty Fanfan (Trung Quốc) cho Techlab, không đồng ý việc đòi kịch bản chi tiết của đơn vì này và tiếp tục yêu cầu gỡ bỏ.
Ngày 12/8/2020 và ngày 20/8/2020, đại diện Techlab tiếp tục yêu cầu kịch bản chi tiết trước khi làm việc với POPS. Ngày 10/9, Techlab xác nhận đã gỡ phần lớn các bộ truyện tranh mà POPS giữ bản quyền. Tuy nhiên, không lâu sau đó ứng dụng này đã bị gỡ bỏ khỏi Google Play và App Store.
Trao đổi về vụ việc, đại diện POPS chia sẻ, khi lĩnh vực giải trí kỹ thuật số càng phát triển và mở rộng, vấn đề bản quyền của nội dung số cũng càng trở nên phức tạp nhưng chưa thực sự được quan tâm và chú trọng một cách thoả đáng. Với mọi vụ việc xảy ra, POPS luôn chủ động và thiện chí gặp gỡ các bên liên quan đề đưa ra hướng giải quyết phù hợp cho các bên trên cơ sở tôn trọng bản quyền các sản phẩm sáng tạo.
Tuy nhiên, khi không nhận được sự hợp tác từ các bên liên quan, POPS sẽ phải có động thái cứng rắn để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình cũng như góp phần nâng cao ý thức tôn trọng bản quyền nói chung. Từ sự việc ứng dụng truyện tranh Funtoon lần lượt bị Google và Apple gỡ bỏ khỏi kho ứng dụng của hai đơn vị này, các đơn vị tham gia kinh doanh nội dung số cần có một cái nhìn đúng đắn và nghiêm túc hơn về bản quyền nội dung số, đồng thời, nâng cao ý thức cũng như tôn trọng bản quyền nhằm tránh tình trạng xâm phạm bản quyền của các đơn vị khác dẫn tới các hậu quả không đáng cho hoạt động kinh doanh của mình.