Với kinh nghiệm hơn 30 năm làm nghề từ trong nước cho đến nước ngoài, ca sĩ Hồng Hạnh vừa có những chia sẻ thực tế với chủ đề “Xuất khẩu” âm nhạc trong tập 51 chương trình Kính Đa Chiều.
Ca sĩ Hồng Hạnh là con gái của đôi song ca lừng danh thập niên 1950 – Nguyễn Hữu Thiết – Ngọc Cẩm. Từ năm 16 tuổi, Hồng Hạnh bắt đầu đi hát và trở thành một trong ca sĩ hàng đầu của dòng nhạc nhẹ, chiếm lĩnh nhiều sân khấu ca nhạc TP.HCM thập niên 80-90.
Đặc biệt, nữ ca sĩ từng được cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đi tìm suốt nhiều tháng ngày ở các tụ điểm để kế thừa ca sĩ Khánh Ly. Sau đó, ca sĩ Hồng Hạnh được cố nhạc sĩ ưu ái làm album Này em có nhớ.
Thời điểm nữ ca sĩ gắn bó với Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM, Hồng Hạnh được đi lưu diễn các nước Đông Nam Á và châu Á. Trong một lần lưu diễn ở Nhật, ca sĩ Hồng Hạnh bén duyên với người chồng xứ sở Phù Tang. Sau đó, nữ ca sĩ có khoảng thời gian sống và biểu diễn nghệ thuật tại xứ sở hoa anh đào.
Bên cạnh các ca khúc nhạc nhẹ trữ tình truyền thống, ca sĩ Hồng Hạnh còn có thể hát đa dạng các thể loại khác như: dân ca, tiền chiến, pop, jazz, nhạc Nhật, Âu Mỹ,… Với sự đa tài và bề dày hơn 30 năm kinh nghiệm ca hát, ca sĩ Hồng Hạnh vừa có những chia sẻ xoay quanh chủ đề “Xuất khẩu” âm nhạc trong tập 51 chương trình Kính Đa Chiều.
Trước câu hỏi của đạo diễn Lê Hoàng về cách đưa âm nhạc Việt Nam vươn ra thế giới, ca sĩ Hồng Hạnh cho rằng phải làm từng bước một. Lấy ví dụ từ chính bản thân, Hồng Hạnh chia sẻ thời điểm nữ ca sĩ ra mắt album Diễm xưa phiên bản tiếng Nhật là Utsukushii Mukashi thì đã có nhiều người Việt sang Nhật hoạt động nhưng không được hiệu quả.
“Trước khi tôi biết đến nhạc Nhật, tôi từng nghe chị Khánh Ly hát nguyên album có bài Diễm xưa, Ướt mi bằng tiếng Nhật và chị Khánh Ly là người đem một số bài qua Nhật. Khi tìm trên YouTube thì tôi thấy người Nhật đã hòa tấu những bài nhạc Việt Nam, nhất là nhạc Trịnh Công Sơn. Vì lúc sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn quen biết rất nhiều người Nhật, trong đó có cô viết lời bài hát Diễm xưa sang tiếng Nhật là Utsukushii Mukashi. Tôi rất thích bài đó nên tôi lấy bài Diễm xưa và ghi trên bìa tên Utsukushii Mukashi để tặng các đối tác Nhật Bản”, ca sĩ Hồng Hạnh chia sẻ.
Đến khi ca sĩ Hồng Hạnh được mời sang Nhật để biểu diễn vào ngày 14/2/2014, cô mới được một người Nhật nhận xét về lỗi lớn mà cô vô tình mắc phải. Ca sĩ Hồng Hạnh bày tỏ: “Có một người đàn ông Nhật nói với tôi rằng các bạn có một lỗi rất lớn, là khi họ nghe bài Diễm xưa cứ ngỡ là mỹ từ mà không biết đó là tên một cô gái. Có nghĩa khi mình hát một ca khúc thì phải cắt nghĩa cho khán giả biết về nguồn gốc bài hát. Chạm đến trái tim khán giả Nhật Bản cũng là cả một nghệ thuật”.
“Người đàn bà xõa tóc hát tình ca” cho biết, cô thấy nhiều đoàn Việt Nam lưu diễn phục vụ nhạc dân tộc, hòa tấu ở Nhật nhưng cũng không được lâu dài. Cô chưa thấy một đội ngũ ekip chuyên nghiệp nhắm thẳng vào thị trường Nhật Bản.
Theo cô, để hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài cần có sự hỗ trợ từ nhiều người, bao gồm nhạc sĩ sáng tác giai điệu phù hợp với thị trường. Ngoài ra, để “xuất khẩu” âm nhạc sang Nhật cũng rất khó vì chi phí ở đất nước mặt trời mọc rất đắt đỏ, thậm chí phải thu âm ngay tại nơi này để phù hợp với tần số ở nước sở tại. “Có nhiều người khuyên tôi nếu muốn nhắm đến thị trường Nhật Bản thì tôi qua sang đây lúc nhỏ. Tương tự nền âm nhạc ở Hàn Quốc, muốn trở thành thần tượng thì phải đào tạo từ lúc nhỏ”, ca sĩ Hồng Hạnh bày tỏ.
Đạo diễn Lê Hoàng đồng quan điểm, để lấn sân thị trường âm nhạc nước ngoài cần có chiến lược cụ thể và rõ ràng, nếu chỉ dừng lại ở việc lâu lâu hát một ca khúc thì khó để hoạt động ở ngoại quốc. Trong chiến lược này phải bao gồm cả nhạc sĩ, để sáng tác phù hợp với thị hiếu của khán giả quốc tế.
Ca sĩ Hồng Hạnh chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, vào thời điểm năm 2003, cô có điều kiện sang Nhật nhiều lần và được bạn bè tại đây ủng hộ khi dịch nhiều bài hát tiếng Việt sang tiếng Nhật như: Thì thầm mùa xuân, Gửi người tôi yêu, Tình ca cho em, Ở trọ, Đừng xa em đêm nay,… Do đó, ca sĩ Hồng Hạnh có thể ra mắt album tổng hợp những bản hit của cô bằng tiếng Nhật nhưng giả sử khi hoàn thành, nữ ca sĩ chỉ có thể bán cho một số người Nhật đã biết đến cô mà không thể tiếp cận số đông khán giả tại thị trường âm nhạc Nhật Bản.
Vì vậy, ca sĩ Hồng Hạnh đồng tình với đạo diễn Lê Hoàng rằng muốn “xuất khẩu” âm nhạc thì cần phải có chiến lược chứ không chỉ dựa vào một vài tài năng hay chỉ qua vài chuyến lưu diễn. “Thậm chí bây giờ có mời Đông Nhi hay Hồ Ngọc Hà cũng chỉ qua đó hát rồi về”, nữ ca sĩ thẳng thắn.
Cuối chương trình Kính Đa Chiều, đạo diễn Lê Hoàng khẳng định dù quá trình chinh phục thị trường âm nhạc quốc tế đầy khó khăn nhưng dẫu sao Việt Nam cũng nên dần nghĩ đến và tìm cách thực hiện. Trong đó, ngoài giọng ca tài năng cũng rất cần kế hoạch tổ chức cụ thể. Ca sĩ Hồng Hạnh tán đồng khi cho rằng trong khi Hàn Quốc đã làm được thì tương lai Việt Nam cũng có thể như thế.
Kính Đa Chiều là chương trình talkshow sở hữu format mới lạ và đầy hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng của Kính Đa Chiều sẽ cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều thông qua những cuộc đối thoại sâu sắc, thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc.
Kính Đa Chiều – chủ đề tiếp theo Cà phê kịch TP.HCM với sự tham gia của biên tập viên Minh Đức và nghệ sĩ Hồng Trang sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 28/3 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.