“Chốt đơn” tập 1 với top 3 trending YouTube và số view bứt phá, Siêu Trí Tuệ Việt Nam – Mùa 2 tiếp tục mang đến những thử thách mới, những tài năng trí tuệ mới, đầy hấp dẫn trong tập 2.
Ở tập 2, thành phần ban giám khảo có sự thay đổi, lý do vì giám khảo Lại Văn Sâm có việc cá nhân nên xin phép được vắng mặt. Vì vậy, ở tập này giám khảo Tóc Tiên và giám khảo khoa học PGS.TS Trần Thành Nam sẽ xuất hiện cùng 2 giám khảo khách mời là đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và cố vấn khoa học của chương trình – anh Dương Anh Vũ, một kỷ lục gia với 4 kỷ lục Siêu trí nhớ thế giới. Được biết ở mùa 1, Dương Anh Vũ chỉ làm việc phía sau hậu trường với vai trò Cố vấn khoa học của chương trình, đây là lần đầu tiên anh lộ diện trên sân khấu Siêu Trí Tuệ Việt Nam. Chia sẻ về chương trình, Dương Anh Vũ mang đầy kỳ vọng: “Thật ra chương trình này đã tạo cảm hứng cho con người trên nhiều khía cạnh, không chỉ ở trí tuệ mà ở tấm lòng mong muốn phụng sự đất nước”. Còn về phía đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, anh cũng hồ hởi khi quay trở lại chương trình ở mùa 2: “Chắc cũng nhờ năm ngoái làm giám khảo chương trình Siêu Trí Tuệ Việt Nam nên đầu óc mình bắt đầu logic hơn chút xíu”.
Mở màn tập 2 là cậu bé Nguyễn Minh Quân (7 tuổi) có niềm đam mê vô tận với bản đồ thế giới. Đến với chương trình, Minh Quân sẽ đối đầu với thử thách Địa đồ đơn sắc. Theo đó, toàn bộ thế giới được chia ra và thể hiện trên 23 tấm bản đồ theo khu vực địa lý. Tất cả các bản đồ chỉ được vẽ bằng một nét đơn đồng nhất, loại bỏ tất cả các quy tắc nhận diện trên bản đồ thông thường. Hệ thống sẽ thiết lập một lưới tọa độ ngẫu nhiên với rất nhiều ô vuông áp lên mỗi tấm bản đồ. Minh Quân có 10 phút để hệ thống 23 bản đồ trên sân khấu. Sau đó, toàn bộ 23 bản đồ được tháo ra dưới dạng các mảnh ghép với hơn 1.100 mảnh. Ban giám khảo sẽ chọn ngẫu nhiên 5 mảnh tọa độ. Nhiệm vụ của cậu bé là phải nhanh chóng xác định vị trí của các mảnh ghép trên lưới tọa độ và cho biết mảnh ghép đó thuộc bản đồ khu vực nào. Thử thách được xem là thành công khi Minh Quân xác định được đúng 4/5 mảnh ghép.
Đứng trước số lượng mảnh ghép khổng lồ lên đến 1.100 mảnh, khi được MC Trấn Thành hỏi về độ khó dễ của thử thách, Minh Quân hồn nhiên trả lời: “Dễ!”. Câu trả lời hết sức vô tư của cậu bé khiến ai cũng bật cười. Giám khảo Tóc Tiên bần thần trước hơn 1.100 mảnh ghép: “Tiên thật sự choáng ngợp với số lượng ô vuông đó, không hiểu bằng cách nào mà cái đầu nhỏ xíu đó có thể chứa hết nhiều thông tin như vậy”. Giải thích kỹ hơn về độ khó của thử thách này, giám khảo khách mời – cố vấn khoa học Dương Anh Vũ cho biết: “Một người chuyên nghiệp về bản đồ thì họ sẽ xác định dựa trên lưới tọa độ cố định.
Trong khi đó, đây là lưới tọa độ ngẫu nhiên, cho dù cố học thuộc đến đâu cũng không thể học thuộc chi tiết được”. Theo như anh Dương Anh Vũ chia sẻ, với bộ đề này thật ra đó không hoàn toàn được gọi là bản đồ bởi vì khi được gọi là bản đồ thì phải có màu sắc, ký hiệu, ví dụ: đường biên giới sẽ có những nét đứt, trong khi đó đường biển thì nét liền và lớn, còn sông thì nét liền nhưng nhỏ… Tuy nhiên, bản đồ của chương trình thử thách chỉ vẽ bằng đúng một nét và tỉ lệ nét đều bằng nhau. Vì thế, nếu Minh Quân không am hiểu thì có thể cậu bé sẽ bị nhầm lẫn giữa đường biên giới, biên giới bờ biển và biên giới sông. Chưa dừng lại ở đó, loại bản đồ này còn có một tính gây nhiễu cực kỳ khủng khiếp đó là điểm chồng lấn.
Sở dĩ thử thách này không được thực hiện trên bản đồ thế giới là bởi vì trên bản đồ thì sẽ không có điểm chồng lấn, tuy nhiên với đề bài của chương trình thì khi mảnh ghép được cắt ra sẽ xuất hiện điểm chồng lấn. Giải thích kỹ hơn về điểm chồng lấn, anh Dương Anh Vũ cho biết: “Ví dụ, khu vực Đông Nam Á giáp với Đông Á thì khi mảnh ghép cắt được ra chắc chắn trên bản đồ Đông Nam Á sẽ dính một phần nhỏ của bản đồ Đông Á, đó gọi là điểm chồng lấn”.
Nếu thử thách đầu tiên chỉ sở hữu 2 màu đen và trắng thì thử thách tiếp theo sẽ mang đầy màu sắc và tính nghệ thuật lấy cảm hứng từ Mosaic: một hình thức nghệ thuật trang trí tạo ra hình ảnh từ tập hợp gồm nhiều mảnh nhỏ. Các mảnh nhỏ này gọi là vật để khảm, thường là các vật rắn, phẳng, phần lớn ở hình dạng vuông vứt như: thủy tinh màu, đá, gạch, gương, kính. Chất lượng vật lý của nguyên liệu cùng kỹ thuật lắp ghép chính là điểm tạo nên giá trị đặc biệt, cũng là tính chất nghệ thuật của Mosaic. Lần đầu tiên tại Việt Nam, chàng họa sĩ đồ họa 3D – Hồ Đinh Đức Thái Tân với năng lực siêu tưởng phi thường, muốn dựa trên vẻ đẹp mê hoặc của nghệ thuật Mosaic để thể hiện khả năng của mình với thử thách Điểm ảnh phát sáng.
Với thử thách này, trên đấu trường quốc tế đã có 2 thí sinh đối đầu với nhau để tìm điểm khác biệt giữa 7.000 điểm ảnh. Đó là câu chuyện của thế giới, còn thử thách của Thái Tân tại Siêu Trí Tuệ Việt Nam thì nằm trong khoảng 1 triệu điểm ảnh và vẫn chưa dừng lại ở đó. Trên sân khấu có 28 bức hình được trình bày trên 7 chiếc TV, mỗi bức hình có gần 1 triệu điểm ảnh, như vậy nghĩa là Thái Tân sẽ đối đầu với thử thách trong khoảng 28 triệu điểm ảnh, gấp 4.000 lần thử thách của các đấu thủ quốc tế. Ban giám khảo lần lượt chọn ngẫu nhiên 3 mảnh cắt từ 28 bức hình này theo từng cấp độ tỷ lệ: 4×4, 5×5 và 6×6. Thái Tân dựa vào mảnh cắt để xác định mảnh cắt đó thuộc bức hình nào. Xác định đúng 2/3 hình, thử thách thành công.
Kết thúc phần mô tả thử thách của Thái Tân, lần lượt từ ban giám khảo cho đến khán giả ai nấy đều than trời vì sự không tưởng và vô lý của thử thách này. Giải thích thêm về những điểm ảnh, giám khảo khách mời – cố vấn khoa học Dương Anh Vũ cho biết: “28 triệu điểm ảnh nhưng chỉ có 6 màu, nghĩa là tỉ lệ lặp đi lặp lại màu sắc sẽ rất nhiều. Bên cạnh đó, việc chiếu các điểm ảnh trên màn hình TV cũng là một điểm trở ngại rất lớn. Bởi vì với một điểm ảnh rất bé, sự lặp lại điểm ảnh rất lớn và khi nhìn chăm chăm vào TV để quan sát trong một thời gian dài thì chắc chắn mắt sẽ bị hoa, khả năng nhận diện điểm màu và màu sẽ rất khó khăn”.
Tài năng trí tuệ cuối cùng trong tập 2 là nữ bác sĩ 24 tuổi – Nguyễn Thục Nữ sở hữu trí nhớ vô hạn cùng niềm đam mê đọc sách từ năm 6 tuổi. Từ đó đến nay, Thục Nữ đã đọc và ghi nhớ được thông tin của hơn 1.000 quyển sách tương đương với hơn 500.000 trang giấy, được viết bởi hơn 200 tác giả, đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bằng 16 loại ngôn ngữ khác nhau. Để kiểm chứng điều này, Siêu Trí Tuệ Việt Nam đưa ra thử thách mang tên Thư viện mini. Với thử thách này, trên sân khấu sẽ có một thư viện mini được dựng sẵn, ban giám khảo và MC Trấn Thành chọn ngẫu nhiên và đọc lần lượt một phần nội dung trên bìa của 5 cuốn sách. Thục Nữ phải nhanh chóng liệt kê các thông tin: Tên tác phẩm, Tên tác giả, Năm xuất bản đầu tiên và Đơn vị phát hành. Liệt kê đúng thông tin của 4/5 cuốn sách, thử thách thành công.
Sau khi nghe qua mô tả thử thách, giám khảo Tóc Tiên cho biết: “Tiên cứ tưởng là đề bài sẽ đưa ra về một thông điệp nào đó, một nội dung nào đó trong cuốn sách nhưng không. Đề bài đưa ra là một phần text đằng sau. Đề vậy ai chơi lại!”. Bên cạnh ý kiến của giám khảo Tóc Tiên, giám khảo khách mời – cố vấn khoa học Dương Anh Vũ phân tích về lượng sách mà bạn đã đọc khiến nhiều người phải trầm trồ: “Theo số liệu mà Bộ Giáo Dục và Đào Tạo đã thống kê: trung bình mỗi năm người Việt chỉ đọc hết 4 cuốn sách, nếu so với Nhật Bản, Phần Lan… họ đọc đến 20 cuốn/năm.
Nhưng điều đáng báo động nhất là trong 4 cuốn này thì chỉ có 1,2 (một phết hai) cuốn là sách ngoài, còn 2,8 (hai phết tám) cuốn còn lại toàn là sách giáo khoa. Đây toàn bộ là 1.000 cuốn sách nằm ngoài, không phải sách giáo khoa”. Theo như tính toán của anh Dương Anh Vũ, với tốc độ đọc sách của người Việt Nam thì phải mất 833 năm mới có thể đọc hết toàn bộ 1.000 quyển sách này.
3 tài năng trí tuệ cùng 3 hạng mục đầy mới lạ sẽ xuất hiện trong Tập 2 Siêu Trí Tuệ Việt Nam – Mùa 2 phát sóng lúc 20h Thứ 7 – 28/11/2020 đồng thời trên kênh truyền hình Vie Channel – HTV2, Vie GIẢITRÍ và ứng dụng VieON.