Hari Won lần đầu tiếp xúc với các giai điệu ngũ cung đã toát mồ hôi hột, than khó đến nhức cả đầu. Tuấn Trần cũng lần đầu tiên bật mí về một sở thích của mình từ nhỏ.
Thử Thách Trốn Thoát tập 6 nối tiếp nội dung của tập 5 tuần trước, những người chơi tiếp tục khám phá nhà may cũ Thanh Xuân ẩn chứa hoài niệm về ký ức xưa cũ một thời. Hari Won, Tuấn Trần, Song Luân, Trương Quỳnh Anh và Hà Việt Hoàng được thay phục trang của Sài Gòn xưa những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Họ nhanh chóng được tìm ra chìa khóa mở được cánh cửa có hai ma nơ canh ở căn phòng số 4 tuần trước, để rồi từ đó có lối vào bí mật đến phòng số 5.
Bước vào “Phòng xướng âm”, những người chơi ngỡ ngàng vì xung quanh được bài trí hình ảnh của vở cải lương kinh điển “Lan và Điệp”. Đây là vở cải lương do soạn giả Trần Hữu Trang chuyển thể, nội dung phản ánh xã hội thời còn phân biệt sang nghèo qua cuộc tình trắc trở bi thương của cô Lan và anh Điệp. Trong phòng có 5 chiếc bục ghi tên của 5 người chơi. Thử thách đầu tiên trong phòng này là ghi nhớ giai điệu và lời rồi hát lại, với âm giai ngũ cung Hò Xự Xang Xê Cống. Tuấn Trần bỗng tiết lộ “Hồi nhỏ hay nghe những giai điệu về cải lương mà ba mẹ hay mở, bản thân cũng nhớ mang máng một số giai điệu Hò Xự Xang Xê Cống”. Các đề bài được đưa ra từ dễ đến khó, lần lượt là những điệu Lý của Việt Nam thời xưa như “Vọng Kim Lang”, “Lý Chiều Chiều”, “Tử Qui Từ”. Đây đều là các giai điệu quen thuộc với những ai mộ điệu cải lương, được sử dụng trong các tuồng tích, các vở diễn cải lương từ những năm 30 của thế kỷ trước.
Với những người chơi vốn có tuổi đời còn trẻ và không nghe cải lương thường xuyên, thử thách này không hề dễ dàng. Bà xã Trấn Thành lần đầu tiếp xúc với ngũ cung đã phải than rằng: “Ôi nhức đầu quá, học mấy cái này khó muốn chết”. Cô nói mình như tờ giấy trắng trong thử thách, bởi không biết gì về những giai điệu cải lương cả. Trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khó tả vì bị “hành”, cả nhóm cũng đã vượt qua được những thử thách khó nhằn này. Sau đó, ban tổ chức cho phát trích đoạn ngắn “Lan và Điệp” đi cùng với các mảnh giấy chứa nhiều chữ. Liên hệ với “Lan và Điệp”, những người chơi đã giải được mật mã “Chốn thành đô nhà xe rực rỡ” và về lại căn phòng số 3.
Căn phòng số 3 đã có sự thay đổi, không còn giống ở tập 5 nữa. Tên của căn phòng đã đổi thành “Phòng nhạc cụ”. Trong phòng có cây đàn sến, một máy cát sét cùng các bộ trang phục. Cả nhóm phải tìm được các cuộn băng nhạc để nghe và giải mã mở khóa các chiếc hộp nhỏ. Qua từng cuộn băng, 5 người chơi đã nghe được những giai điệu dân gian hay cải lương quen thuộc. Kết hợp nhằm giải mã những chiếc hộp, họ tìm được những mảnh xà cừ có số. Từ đó phải liên kết với miếng xà cừ trên đàn sến để tìm ra những con số trên các áo. Tất cả manh mối này dùng mở khóa chiếc hộp cuối cùng. Trương Quỳnh Anh bất ngờ chứng tỏ khả năng quan sát và suy luận của mình, khi cô là người tìm ra mật mã của chiếc hộp trong sự thán phục của mọi người.
Mang những kỷ vật của Lan trong “Lan và Điệp” trở về căn phòng số 5. Căn phòng bỗng có sự dịch chuyển khi xuất hiện những hình ảnh của vở “Lục Vân Tiên”. Song Luân cho biết khi thấy những dụng cụ, đạo cụ, trang phục mà chương trình chuẩn bị, thật sự bất ngờ và thấy có nhiều giá trị cho game này. Khi mọi người đang bàn luận xem nên làm gì, đột nhiên có tiếng nhạc cải lương vang lên bất ngờ khiến cậu em út Hà Việt Hoàng hốt hoảng thốt lên “Ôi giật mình, trời ơi”. Anh vội chạy ra sau lưng Tuấn Trần “trốn”. Thì ra ekip Thử Thách Trốn Thoát phát trích đoạn vở “Lục Vân Tiên”. Vở diễn là một trong những vở cải lương đầu tiên được trình diễn và được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Dựa trên gợi ý, cả nhóm đi vòng về phòng số 2, lúc này đã trở thành “Phòng hóa trang”.
Tại căn phòng nay đã được làm mới này, 5 người chơi biết được gánh hát từ đầu tập 6 này mang tên Tân Thinh. Căn phòng có nhiều gợi ý khác nhau, trong đó bí ẩn là câu văn “Dưới ánh đèn sân khấu, người nghệ sĩ mang nhiều mặt nạ khác nhau” được giọng ca “Anh cứ đi đi” đọc to cho mọi người nghe. Vận dụng những suy luận về năm Canh Thân bị thiếu, cả nhóm tìm được những đạo cụ trang điểm. Tuấn Trần nhanh chóng nghĩ đến ngày giỗ tổ sân khấu (12/8 âm lịch). Anh giải mã tìm được cuốn sổ mang nhiều nét mặt khác nhau đã được hóa trang của một nữ nghệ sĩ. Dùng cuốn sổ này quét đèn lazer mở chiếc tủ bí ẩn, nhóm 5 người dần tìm được những manh mối nhằm tìm được tay nải và chiếc trâm cài liên quan đến vở “Lục Vân Tiên”. Trở về căn phòng số 5, trích đoạn vở diễn “Tiếng trống Mê Linh” của cố nghệ sĩ Thanh Nga vang lên. Đây là một trong những vở cải lương nổi tiếng của sân khấu Việt Nam, được dàn dựng qua nhiều phiên bản. Trong đó phiên bản của cố nghệ sĩ Thanh Nga được xem là kinh điển nhất. Cả nhóm dùng manh mối có được di chuyển đến căn phòng số 6.
Đây là căn phòng của một cô lao công, tuy nhiên mọi thứ trong này đều được bố trí rất chỉn chu, mang tính nghệ thuật cao. Qua những thử thách từ gợi ý 1960, 5 người chơi dần tìm ra được thân thế của cô lao công. Cô từng là một nghệ sĩ, vì lý do nào đó đã không còn theo nghề nữa. Dẫu vậy, trong cô còn những nỗi day dứt khi lửa nghề vẫn còn cháy bỏng, vẫn một lòng hướng về những khán giả đã dõi theo cô. Những người chơi đã có sự xúc động trong quá trình giải mã thử thách ở căn phòng này. Cuối cùng họ cũng mở được mật thất có trống đồng và mang trống đồng về vị trí ở căn phòng số 5. Một căn phòng mới xuất hiện. Bên trong là một nhà hát với sân khấu được dàn dựng theo phong cách Sài Gòn xưa. Thì ra nhà may Thanh Xuân này trước kia từng là một nhà hát xưa. Trải qua nhiều biến cố qua thời gian, nhà hát đã không còn và trở thành nhà may Thanh Xuân như hiện tại. Tương tự với nhiều sân khấu ngày xưa ở ngoài đời nay đã tàn lụi. Những nơi ấy giờ đã trở thành nhà dân, hay nhà sách, hoặc thậm chí đã bị bỏ hoang.
Loại hình nghệ thuật cải lương hiện tại không còn ở thời hoàng kim. Việc thế hệ trẻ được tiếp cận với những vở diễn kinh điển ngày trước là điều hiếm thấy. Những người chơi cũng lần đầu được bước vào rạp hát xem cải lương với trích đoạn vở “Tiếng trống Mê Linh”, do nghệ sĩ Kiều Oanh thể hiện vai Trưng Trắc. Nội dung trích đoạn nói về Trưng Trắc vượt qua nỗi đau khi đồng ý để chồng là Thi Sách bị giặc giết hại. Tất cả là để bà và Trưng Nhị tiếp tục khởi binh bảo vệ giữ yên bờ cõi đất nước. Trích đoạn sử dụng những giai điệu cổ làm nên những câu hát đầy hào hùng bi tráng.
Khi nghe những giai điệu cổ, 5 người chơi có thể chưa hiểu hết về nhạc lý, âm luật. Tuy nhiên bản thân họ vẫn cảm thấy thân thuộc đến khó tả, như mạch chảy nằm trong xương máu của mình. Chỉ là họ chưa có dịp tìm hiểu và thưởng thức mà thôi. Những giai điệu cải lương thật chất đã tồn tại trong đời sống giới trẻ một cách vô hình. Như gần đây, giai điệu của clip viral “Anh giở nắp lu ra đi, ngó xem ở trong con gì” chính là từ điệu “Vọng Kim Lang” mà ra. Hay siêu mẫu Vũ Thu Phương đi catwalk trên nền nhạc cũng dùng giai điệu này. Qua đó cho thấy, nếu những loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc như cải lương được gìn giữ và phát huy, chắc chắn sẽ thu hút những khán giả trẻ quan tâm. Trích đoạn kết thúc chạm đến trái tim những người chơi. Đôi mắt họ ngấn lệ, đứng lên vỗ tay và lên sân khấu ôm chầm lấy nghệ sĩ Kiều Oanh. Nữ nghệ sĩ lúc này cũng không khỏi xúc động đã bộc bạch chia sẻ: “Cảm ơn mọi người đã có cảm xúc như vậy, để thấy rằng ít nhiều gì cũng có chút xíu truyền lại để tụi em biết và trân quý bộ môn cải lương của mình như thế nào”.
Hãy đón xem tập 7 Thử Thách Trốn Thoát được phát sóng vào lúc 21h15 ngày 3/4/2022 trên kênh VTV3 và 22g15 trên kênh YouTube Thử Thách Trốn Thoát.