MV Liệu Hoa Không Hương gây tranh cãi vì trang phục.

Mr Ti

Ra mắt vào đúng ngày sinh nhật thứ 23 của K-ICM, Hoa Không Hương mang đến cho công chúng màn “tái hợp” giữa producer tài năng sinh năm 1999 với giọng ca đầy nội lực của nữ ca sĩ Văn Mai Hương.

Ra mắt chỉ mới ít ngày, Hoa Không Hương nhận về nhiều ý kiến đánh giá tích cực từ công chúng: bản phối ấn tượng của K-ICM, giọng hát đầy điêu luyện của Văn Mai Hương; phần lời hát và giai điệu đầy chất thơ; bối cảnh tuyệt đẹp của vùng sông nước Tràng An (Ninh Bình) cho đến những bộ trang phục Việt cổ được phỏng dựng tương đối chuẩn xác theo kiểu dáng thế kỉ 19 – đầu thế kỉ 20.

Ngay từ khi sản phẩm ra mắt, bên cạnh nhiều lời khen tích cực thì Hoa Không Hương cũng đã gặp không ít luồng ý kiến trái chiều, đặt nhiều thắc mắc từ phần hình ảnh đến nội dung. Ekip thực hiện Hoa Không Hương cũng đã chính thức lên tiếng, đưa ra góc nhìn khách quan hơn từ phía những người thực hiện, để công chúng có cái nhìn đa chiều và mở lòng hơn với một MV nằm trong chuỗi dự án nghệ thuật nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa Việt Nam từ nhà sản xuất âm nhạc K-ICM.

Nếu như Chim Quý Trong Lồng của năm 2021 mang đến những cao trào bùng nổ trong cảm xúc thì với Hoa Không Hương của năm 2022, bộ đôi mang đến một giai điệu nhẹ nhàng, lãng đãng và sâu lắng hơn rất nhiều. Bản phối của Chim Quý Trong Lồng mang nhiều nét nhạc điện tử hiện đại trong khi Hoa Không Hương lại được K-ICM tiết chế phần hiện đại để làm nổi bật lên nét dân gian ngũ cung. Cách hát của Văn Mai Hương trong 2 ca khúc cũng rất khác: bên dữ dội và chạm đến những nốt cao chót vót; bên lại nên thơ, trữ tình và đầy lưu luyến. Hai ca khúc mang đến hai cung bậc cảm xúc khác nhau, hai bản phối đi theo hai hướng khác biệt,… có chăng chỉ cùng một gốc âm hưởng nghệ thuật truyền thống Á Đông để từ đó phát triển về ý tứ, giai điệu mà thôi.

Nhiều ý kiến của khán giả đã thắc mắc xoay quanh vấn đề nhân vật K-ICM và Văn Mai Hương trong MV Hoa Không Hương sử dụng chủ yếu y phục triều Nguyễn trong khi bối cảnh MV đặt ở Ninh Bình, địa danh gắn liền với Cố đô Hoa Lư của 2 triều đại Đinh – Tiền Lê. Đơn vị thực hiện cổ phục cũng như tư vấn về văn hóa – lịch sử cho dự án là Hoa Niên nhấn mạnh: các câu chuyện xuyên suốt album HOA nói chung và MV Hoa Không Hương nói riêng đều không đặt cụ thể vào một triều đại, giai đoạn hay câu chuyện lịch sử cụ thể nào của Việt Nam; tất cả là thế giới nghệ thuật tưởng tượng của ekip.

Tuy nhiên, trong quá trình tạo hình cho dự án, ekip đã vô cùng nỗ lực để mang đến cho công chúng những dạng thức trang phục truyền thống của cha ông từng mặc ở nhiều giai đoạn khác nhau trong quá khứ. Tất cả tổng hòa lại và có nhiều sự pha trộn khi xuất hiện trước ống kính nhưng vẫn đảm bảo tính Việt Nam được bảo toàn trong từng bộ trang phục, vừa đáp ứng tính thẩm mỹ cho một sản phẩm nghệ thuật đưa đến khán giả đại chúng.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng Hoa Không Hương “đi theo lối mòn” khi mãi sử dụng concept cổ trang tương tự như Chân Mây và Chơi Vơi. Ngay từ khi bắt đầu album HOA với buổi họp báo giới thiệu chính thức dự án, toàn bộ ekip đã nhấn mạnh chuỗi sản phẩm trong album HOA sẽ là một thể thống nhất, liền mạch, là cách những người trẻ tôn vinh những giá trị văn hóa cổ truyền Việt Nam theo cách của riêng: thông qua âm nhạc, qua lời hát, qua bối cảnh thực hiện MV, qua bộ sưu tập các trang phục trải dài các triều đại Việt Nam.

Với âm nhạc và lời hát, nhà sản xuất K-ICM có sự tư vấn của NSƯT – Tiến sĩ – Nghệ sĩ Đàn tranh Hải Phượng để cân bằng các yếu tố ngũ cung dân gian, các nhạc cụ truyền thống với âm nhạc điện tử đương đại. Phần bối cảnh được K-ICM thống nhất lựa chọn những danh lam thắng cảnh trên khắp đất nước Việt Nam như một cách để góp phần thúc đẩy ngành du lịch sau dịch Covid-19. Bên cạnh đó, bối cảnh cũng giúp khơi gợi niềm tự hào của khán giả khi thấy non sông đất nước ta đẹp kì vĩ trải dài từ Bắc chí Nam không thua bất kì quốc gia nào.

Phần trang phục cổ được nghiên cứu kĩ lưỡng, khác với nhiều dự án “cổ trang” khác, nhằm phỏng dựng phần nào tinh hoa trong việc ăn mặc của người Việt Nam qua các triều đại từ khoảng thế kỉ thứ 10 cho đến đầu thế kỉ 20. Các dạng thức Việt cổ phục cũng lần lượt được giới thiệu: áo giao lĩnh (vạt chéo), áo viên lĩnh (cổ tròn), áo ngũ thân, áo nhật bình,… góp phần vào công cuộc bảo vệ các giá trị truyền thống dân tộc.

Sau Hoa Không Hương, hành trình của K-ICM và ekip album HOA sẽ tiếp tục với 2 sản phẩm lần lượt với Bùi Anh Tuấn và Đồng Lan. Hành trình của HOA vừa qua đã mang K-ICM đến với 3 giọng ca đầy cá tính của Vpop: Phương Thanh – Trung Quân – Văn Mai Hương, nhận về nhiều ý kiến tích cực từ công chúng.

K-ICM hiện cũng đang có chuyến biểu diễn tại Lễ hội Âm nhạc Ultra Europe và đã giới thiệu giai điệu đậm chất Việt Nam của Hoa Không Hương đến hàng chục nghìn khán giả Châu Âu. Sau khi về nước, K-ICM tiếp tục bắt tay vào các dự án kế tiếp song song với 2 sản phẩm còn lại của album HOA.

Đồng thời, người hâm mộ đang thực sự nóng lòng chờ đợi liveshow hoành tráng đã được K-ICM hứa thực hiện trong năm nay tại buổi họp báo giới thiệu dự án HOA.