Người phụ nữ tật nguyền “vượt lên chính mình” học nghề may chèo chống cả gia đình

Mr Ti

Hơn 20 năm miệt mài may vá, bà Nguyễn Thị Ánh xem chiếc máy may hiệu con bướm cũ kỹ là người bạn thân thiết của mình. Bởi cũng chính nghề may đã giúp bà Ánh có thêm niềm vui sống, vượt qua mặc cảm tật nguyền để trở thành trụ cột gia đình lo lắng cho mẹ già và người em bệnh tật.

Thổ Địa Tiền Giang (diễn viên Hoàng Mèo) gấp gáp sửa lại chiếc bàn máy may cũ để giúp đỡ nhân vật. Thần Tài (diễn viên Đình Toàn) hạ phàm xuống miếu Thổ Địa, mang theo con cóc máy may mà Thổ Địa nhờ mua hôm trước. Để chọc ghẹo bạn, Thần Tài lấy con cóc đồ chơi hù Thổ Địa một phen hú vía, vô tình làm hỏng chiếc bàn máy may mà Thổ địa đang sơn sửa. Để bắt đền Thần Tài, Thổ Địa xin một chiếc máy may mới, cùng phụ liệu may vá kèm theo.Thần Tài tra hỏi mới biết Thổ Địa có ý muốn xin máy may để giúp đỡ cho người thợ may có hoàn cảnh khó khăn – bà Nguyễn Thị Ánh.

Bà Nguyễn Thị Ánh (1967) ngụ ấp Hòa Điền, xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang chẳng may mắc bệnh sốt bại liệt năm 3 tuổi. Đôi chân bà Ánh từ đó cũng teo nhỏ, dáng đi khập khiễng suốt một quãng đời dài. Bén duyên với nghề may từ lúc còn con gái, đến khi mái tóc ngả màu sương, bà vẫn cặm cụi với mũi chỉ đường kim. Chiếc máy may hiệu con bướm có tuổi đời trên 20 năm, gắn bó cùng bà Ánh suốt những năm tháng tuổi trẻ cho đến lúc tuổi bà chạm ngưỡng 60.

Đến nay, chiếc máy may cũng đã cũ sờn, hỏng hóc, nhiều chi tiết máy móc chắp vá tạm bợ nhưng người và máy vẫn đêm ngày miệt mài hoàn thành những mẫu quần áo tinh tươm. Bà Ánh chia sẻ: “Chiếc máy may này đi theo tôi hơn 20 năm rồi, tôi quý nó lắm. Nó hư chỗ nào mình chấp vá chỗ đó để may tiếp vậy à chứ không có bỏ. Cũng nhờ có nghề may mà có thêm đồng ra đồng vô lo cho mẹ với em gái”

Thương người thợ may tật nguyền nhưng luôn gắng sức vươn lên, bà con xung quanh đều nhiệt tình ủng hộ. Tuy không đủ máy móc làm nghề, phụ liệu may cũng trăm bề thiếu thốn nhưng mỗi chiếc quần áo qua bàn tay tỉ mỉ của bà Ánh đều được khách hàng đánh giá cao về đường kim, mũi chỉ. Nhà không có máy vắt sổ, mỗi lần khách đến may đồ bà Ánh phải mượn xuồng bơi ra chợ để vắt sổ. Tiền kiếm được từ công việc may vá bà Ánh phải đánh đổi từ sức lực và những giọt mồ hôi, chính vì vậy dù thu nhập chẳng là bao nhưng người thợ may này luôn trân quý.

Suốt những năm tháng tuổi trẻ, bà Ánh chưa từng ao ước về hạnh phúc riêng mình vì bên cạnh bà Ánh là người mẹ già thường xuyên đau ốm và đứa em gái bị bệnh Down bẩm sinh. Bà Võ Thị Năm, mẹ bà Ánh, năm nay đã gần 80 tuổi, mắc bệnh tiểu đường biến chứng mù mắt, suy thận, suy tim phải thường xuyên nhập viện. Bao nhiêu thu nhập từ công việc may vá, bà Ánh đều dành dụm để thuốc thang cho mẹ và cơm gạo hằng ngày. Lo cho mẹ và em gái là vậy nhưng bà Ánh cũng chẳng khỏe mạnh bao nhiêu.

Đôi chân yếu ớt thường xuyên té ngã để lại nhiều chấn thương, căn bệnh thoái hóa khớp lâu năm không tiền chạy chữa, bà Ánh chỉ có thể uống thuốc cầm chừng. Khó khăn bao trùm, thu nhập thì ít ỏi, thế nên ước mơ về một chiếc máy may mới bà Ánh ấp ủ đã lâu nhưng vẫn vẫn chưa thành hiện thực. Cơ hội đến với sân khấu TTGC lần này cũng chính là dịp duy nhất để bà Ánh trổ tài để chinh phục vị thần cai quản ngân khố, chạm tay vào những dự định trong tương lai.

Vòng 1, thử thách xúc giác NHANH TAY XỎ KIM. Với kinh nghiệm may vá hơn 20 năm, bà Ánh nhanh tay xỏ chỉ vào 5 chiếc kim khâu. Tuy có hơi hồi hộp một chút nhưng bà Ánh đã xuất sắc chinh phục thử thách và nhận ngay điều ước đầu tiên.

Bước vào vòng 2 PH N LOẠI NÚT ÁO, có 40 chiếc nút áo nhiều màu sắc cần được phân loại riêng biệt. Với đôi tay thoăn thoắt lành nghề, bà Ánh đã nhanh chóng sắp xếp từng màu nút áo và vượt qua vòng 2 đầy thuyết phục.

Vòng cuối cùng, một thử thách về tay nghề đó là ĐƠM NÚT VÀ TRANG TRÍ ÁO sẽ quyết định bà Ánh có chạm tay vào ước mơ thật trọn vẹn hay không? Bà Ánh sẽ ứng biến ra sao để vượt qua vòng 3 này?

Quý khán giả hãy đón xem hành trình chương trình TTGC, phát sóng lúc 19h10, Chủ Nhật ngày hàng tuần trên kênh THVL1 và phát lại lúc 16h30 thứ Ba hàng tuần trên kênh THVL2 nhé!