Bệnh nhân nếu mắc phải chứng sỏi túi mật cấp tính có thể đau bên phải mạn sườn, người bệnh cần đi cấp cứu trong 24h nếu không có thể bị nhiễm trùng máu.
Chương trình Bác sĩ gia đình phát sóng lúc 12h50 chủ nhật hàng tuần trên kênh THVL1 với chủ đề “Sỏi Mật Triệu Chứng và Phương Pháp Điều Trị”. Chương trình có sự tham gia tư vấn của Bác sĩ CK2 Võ Đăng Sơn, Khoa Ngoại Tiêu hóa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn – TP.HCM và MC Ngọc Nhi trong vai trò người kết nối.
Mở đầu tình huống, người ba đang ngồi uống trà chờ con gái đi chợ về. Vừa thấy con người ba ngạc nhiên hỏi: “Vì sao ba chỉ thấy rau không mà không có thịt cá vậy con?”. Đáp lại thắc mắc của ba, con gái giải đáp từ giờ về sau nhà chúng ta chỉ ăn đồ luộc, hạn chế đồ chiên xào để bảo vệ sức khỏe. Người cha phản đối, ông nói: “Con cho cả nhà ăn như vậy là đâu được, còn hai đứa cháu ngoại của ba thì sao, ăn như vậy làm sao có chất đây”.
Để cho ba hiểu, con gái giải thích: “Chồng bạn của con vừa mới phát hiện ra bị sỏi mật nhưng nặng quá rồi chuyển sang nhiễm trùng máu. Cho nên nhà mình cứ tập ăn uống cho nó thanh đạm để bảo vệ sức khỏe”. Dù giải thích rõ ràng nhưng người ba vẫn không tin vào con gái, hết cách người con nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ về chế độ ăn uống lành mạnh.
Chia sẻ về nguyên nhân mắc chứng sỏi mật, Bác sĩ CK2 Võ Đăng Sơn chia sẻ: “Túi mật là một bộ phận khá quan trọng trong chuỗi hệ thống đường dẫn mật. Nó có hình dạng như một chiếc túi nhỏ được gắn ngay bên dưới gan bởi các ống dẫn nhỏ. Nếu như lượng mật đó tiết ra nhiều mà không kịp đổ xuống ruột sẽ tích lũy ở bên trong túi mật. Sỏi túi mật hình thành do rối loạn tình trạng co bóp hoặc là mất cân bằng các thành phần ở bên trong dịch của mật. Dịch mật có nhiều thành phần nhưng có 3 thành phần lớn chủ yếu là cholesterol, lecithin và muối mật. Nếu 3 chất đó mất cân bằng thì sẽ gây ra sỏi túi mật”.
Nói về triệu chứng của bệnh sỏi túi mật Bác sĩ CK2 Võ Văn Sơn cho biết, có hai triệu chứng được bác sĩ phân ra đó là triệu chứng cấp tính và triệu chứng mạn tính. Có rất nhiều bệnh nhân có sỏi túi mật nhưng không kịp phát hiện ra do không có triệu chứng. Nếu người bệnh có những cơn đau âm ỉ ở phía trên rốn và lệch ra bên phải. Thậm chí, có những bệnh nhân sẽ bị đau sau lưng, những cơn đau đó chỉ thoáng qua nhưng lập đi lập lại nhiều lần. Có những bệnh nhân sẽ gặp phải triệu chứng chán ăn, đầy bụng, khó tiêu. Bệnh nhân nếu mắc phải chứng sỏi túi mật cấp tính có thể đau bên phải mạn sườn, người bệnh cần đi cấp cứu trong 24h nếu không cấp cứu kịp thời bệnh nhân có thể bị đau dữ dội khắp ổ bụng và có thể bị nhiễm trùng máu.
Nói về phương pháp điều trị cho bệnh nhân bị sỏi túi mật, nam bác sĩ cho biết: “Vị trí của sỏi mật rất quan trọng. Nếu nằm ngay cổ đường ra của túi mật để đỏ vào trong đường mật thì bệnh nhân bắt buộc phải phẫu thuật ngay. Nếu bác sĩ siêu âm ra bạn có sỏi túi mật nhưng túi mật của bạn chưa có dấu hiệu viêm thì có thể trì hoãn phẫu thuật. Trong trường hợp bệnh nhân có nhiều sỏi và sỏi to thì bắt buộc phải phẫu thuật và cắt túi mật sớm để tránh tình trạng bị nhiễm trùng máu”.
Những lưu ý giúp phòng ngừa và điều trị sỏi mật, Bác sĩ CK2 Võ Văn Sơn cho biết: Thứ nhất, nên có một chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều chất xơ từ rau xanh, trái cây và ngũ cốc; hạn chế các thực phẩm giàu chất béo bão hòa, nhiều đường. Thứ hai, tập thể dục thường xuyên ít nhất 30 phút/ 1 ngày bà 5 ngày/ 1 tuần. Thứ ba, kiểm soát tốt cân nặng, tránh thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ sỏi mật. Thứ tư, nên đi khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh tật và phát hiện sỏi mật. Thứ sáu, không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có sự tư vấn của bác sĩ.
Bác sĩ gia đình được phát sóng định kỳ lúc 12h50 chủ nhật hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Công ty Truyền Thông Bee phối hợp với Đài Truyền hình Vĩnh Long thực hiện.