Rạp phim tặng 60 % suất chiếu cho phim Chị Dâu.

Mr Ti

Ngay từ những ngày đầu công chiếu, Chị dâu của đạo diễn Khương Ngọc, kịch bản của nhà biên kịch Kim và ToTo Chan, đang tạo nên một cơn sốt trong dịp Giáng sinh và cuối năm nay.

Chị dâu, một bộ phim được giới chuyên môn đánh giá là món ngon vị lạ của bàn tiệc điện ảnh Việt cuối năm; phim vẫn liên tục giữ vị trí số một phòng vé từ ngày ra mắt.

Chính thức công chiếu vào 20-12 vừa qua, Chị dâu đang dẫn đầu phòng vé và thu về 34 tỷ sau 4 ngày công chiếu. Lượng vé những ngày cuối tuần qua – ngày sau cao hơn ngày trước, và hôm qua (23-12) ngày thứ 2 đầu tuần lượng vé vẫn không sụt giảm. Chị dâu đang được khán giả ủng hộ, trung bình 100,000 khán giả ra rạp xem Chị dâu mỗi ngày, có khoảng 500.000 vé đã được bán ra suốt 100 tiếng từ khi ra mắt. Dẫn theo đó, số suất chiếu của phim cũng được đẩy mạnh, tăng 60% từ 2300 suất ngày đầu tiên lên đến 4000 suất ở chủ nhật cuối tuần qua.

Chị dâu mô phỏng những nhân vật có thật ngoài đời cùng câu chuyện gia đình rất đỗi quen thuộc, với sự góp mặt của các diễn viên chính gồm Việt Hương, Hồng Đào, Lê Khánh, Đinh Y Nhung và Ngọc Trinh.

Chị dâu tựa như một lát cắt của cuộc sống, mang lại cảm giác gần gũi, thân thuộc như chính nhà mỗi người. Không như những câu chuyện sáo rỗng hay kịch bản phi logic mà nhiều phim Việt mắc phải, Chị dâu nổi bật nhờ sự chỉn chu, nhịp phim ổn định, cùng những lời thoại đậm chất đời và sâu sắc, dễ dàng chạm đến cảm xúc người xem.

Chị dâu khai thác yếu tố tâm lý của các nhân vật nữ khác nhau – một đề tài không mới nhưng hiếm khi được khai thác triệt để trong điện ảnh Việt. Cốt lõi của bộ phim là câu chuyện về sự đổ vỡ và hàn gắn, được đạo diễn tài tình gói gọn trong hình ảnh một ngôi nhà cũ bị sập sau cơn bão. Biểu tượng ngôi nhà đổ nát không chỉ là bối cảnh vật lý, mà còn là hiện thân của những mâu thuẫn, tổn thương lâu ngày bị che giấu giữa các thành viên trong gia đình.

Một trong những cảnh đắt giá của phim là khoảnh khắc năm chị em tìm thấy nhau dưới mái hiên nhà, cùng khóc, cùng cười và cùng nhau ăn chung một bát cơm nguội. Hình ảnh đó đã khiến không ít khán giả nghẹn ngào, khi cảm nhận được sự ấm áp và thiêng liêng của hai chữ “gia đình”. Chị dâu không cần những tình tiết gay cấn hay phô trương, mà từ tốn xây dựng cảm xúc, để rồi bùng nổ ở cao trào, mang đến sự thỏa mãn trọn vẹn.

Phân cảnh say rượu trước cửa nhà của nhân vật cô Ba Kỳ (Hồng Đào) cũng được xem là một trong những khoảnh khắc xuất sắc nhất của phim. Đây không chỉ là một cao trào cảm xúc, mà còn là minh chứng cho sự trưởng thành trong cách viết kịch bản và dàn dựng phim Việt. Từng câu thoại, từng tiếng nấc của nhân vật không chỉ chân thật, mà còn như lưỡi dao sắc cắt sâu vào trái tim người xem, khiến họ khóc nghẹn và đồng cảm.

Đặc biệt, Chị dâu không dừng lại ở vai trò một bộ phim, mà đây còn cầu nối giữa các thế hệ trong gia đình. Sau khi xem phim, rất nhiều khán giả trẻ đã dẫn bố mẹ, ông bà trở lại rạp, để cùng nhau chia sẻ những cảm xúc và thông điệp ý nghĩa từ tác phẩm. Điều này phản ánh sức hút cực hot của bộ phim, đồng thời khẳng định giá trị gia đình sâu sắc mà Chị dâu mang lại.

Một số khán giả không giấu được xúc động khi chia sẻ cảm nhận sau khi xem phim: “Phim tái hiện rất chân thật hình ảnh của nhiều gia đình hiện nay. Chúng ta thường ít có thời gian dành cho nhau, chỉ những dịp như đám giỗ hay đám cưới mới tụ họp, và từ đó mới cảm nhận rõ hơn sự gắn kết tình thân.” Một khán giả khác bày tỏ: “Xem xong phim, chị nhắn ngay vào nhóm gia đình: ‘Nhà mình cùng đi xem để thương nhau nhiều hơn nha.” Hay như lời chia sẻ chân thành của một bạn trẻ: “Em nhìn thấy chính gia đình mình trong đó. Em muốn giới thiệu ngay cho bạn bè và người thân cùng đi xem, vì đây là một bộ phim tình cảm gia đình vô cùng xúc động và sâu sắc.”

Mỗi nhân vật trong Chị dâu đều là một mảnh ghép sống động, tái hiện chân thực hình ảnh của những gia đình Việt Nam. Trong mùa Giáng sinh này, Chị dâu đảm bảo là lựa chọn lý tưởng cho những ai muốn tìm lại cảm giác yêu thương và ấm áp của gia đình. Phim đang được công chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc.