Chị D (51 tuổi) hiện sống ở quận Tân Phú. Đến với chương trình Người Thứ 3, chị kể lại cuộc hôn nhân đầy nước mắt vì chồng có người thứ 3. Năm 1992, anh và chị kết hôn dù tình yêu trong chị vẫn chưa đậm sâu. Bởi khi theo đuổi, anh ân cần lo lắng, quan tâm khiến chị cảm mến và muốn tiến đến hôn nhân. Đến khi có 3 mặt con, anh thay đổi vì người thứ 3.
Thời gian đầu, cuộc hôn nhân diễn ra tốt đẹp. Mỗi tối, anh chị chở con trai đầu lòng đi ăn, đi chơi, tối thứ 7 cả nhà “đèo nhau” đi xem ca nhạc. Có con trai thứ 2, anh sinh tật nhậu nhẹt. Chị D nhiều lần khuyên chồng bớt nhậu, sinh ra cự cãi hục hặc. Anh hứa sẽ bỏ rượu chè, nếu chị sinh cho anh một đứa con gái. Lúc chị có thai 5 tháng, chồng chở chị siêu âm phát hiện thai nhi là con trai, thì anh ấy bắt đầu ngó lơ, bỏ mặc hai mẹ con.
Chị mang thai đến tận 11 tháng mới sinh và sinh được bé gái. Khi nghe chị sinh con gái, anh mới chạy vào thăm, nhưng anh cho rằng đó không phải là con anh, mà chị đã “đổi con” và không hề quan tâm đến sức khỏe của vợ, dù chị vừa trải qua một ca sinh nguy hiểm, bị băng huyết.
“Khi ấy, một bác sĩ người Pháp nói tiếng Việt lơ lớ, trực tiếp thực hiện ca sinh. Ông khẳng định đây là con của anh ấy. Tôi tức giận nói anh lấy máu xét nghiệm ADN. Nếu không mạnh mẽ, tôi đã lên máu sản hậu khi ấy. Chồng tôi sau đó không quan tâm gì đến vợ mà về nhà nhậu cùng bạn bè đến sáng”, chị chua xót nhớ lại.
Là một người phụ nữ giỏi giang trong việc quán xuyến gia đình, chị D hằng ngày vừa kiếm tiền, vừa chăm con. Chị chu toàn việc bên nhà chồng, tự tay nấu tiệc mỗi khi có lễ, đám. Chị nghĩ chồng chỉ mê nhậu nhẹt, sẽ không đi kiếm người phụ nữ khác. Dù nhiều người khuyên quản chồng vì anh thường lấy cớ đi nhậu, ngủ qua đêm ở nhà bạn, nhắc khéo anh ấy có phụ nữ bên ngoài. Một lần, bạn thân của chồng cho chị biết địa chỉ quán anh thường nhậu nhẹt và ngủ lại với một người phụ nữ.
Khi nghe tin, chị D không ghen, bởi nghĩ phụ nữ càng giữ chồng càng áp đặt thì chồng sẽ đi nhanh hơn. Chị nói anh đi đâu cũng được, đừng nhậu về quậy vợ con, nhưng anh lại về ghen ngược, chửi bới chị. Dù thời điểm sau khi sinh con thứ 2, vẫn có người hằng ngày đến công ty tặng 1 cành hoa hồng, kèm tiền bạc nhưng chị vẫn chung thủy với anh. Linh tính mách bảo anh ngoại tình bên ngoài về nhà kiếm chuyện, chị nói con trai lớn chở chị đến địa chỉ trước đây người bạn đã cho.
“Đến quán, tôi thấy chính xác hai người ngồi uống bia, tình tứ. Sau đó, họ đi vào quán ngủ lại đó. Tôi chụp hình lại, anh nói đó chỉ là mối quan hệ chị em vì cô ấy lớn tuổi hơn. Nhìn thấy nhân tình của chồng, tôi không tức giận, oán trách. Khoảnh khắc tôi bắt gặp anh ở bên người khác như một giọt nước tràn ly. Anh ấy nhậu bao nhiêu năm, đến khi sinh ra đứa con thứ 3 thì tôi lại bị đối xử lạnh nhạt, vì một cơn ghen ngược mà tôi bị bêu xấu với hàng xóm. Tôi hết lòng yêu thương chồng con, hết mực lo chu đáo mọi mặt, nhưng nỗi đau đến từng cơn như vậy. Tôi nói con quay xe về, nói ba có bến đỗ mới rồi. Về nhà, tôi làm đơn ly hôn đưa ra tòa án. Cả hai không hề gây nhau, trách móc, tôi giải quyết mọi việc êm gọn trong vòng 1 ngày”, chị kể.
Chị nhớ lại cuộc hôn nhân với những tháng ngày chịu đựng. Những ngày cuối tuần, chồng chị mang bạn bè về nhậu, nôn ói khắp nhà. Nửa đêm chị tan ca, về nhà dọn dẹp đến gần 2 giờ sáng mới được ngả lưng nghỉ ngơi, năm giờ sáng phải dậy sớm đi làm. Sau khi ký giấy ly hôn, anh mang xe tải đến và chở tất cả vật dụng trong nhà như máy lạnh, máy giặt về với nhân tình. Chị D giữ lại 3 con nuôi ăn học.
Thời gian sau, chị nghe tin căn bệnh viêm gan B của anh bị trở nặng. Con gái khóc sợ một ngày ba mất, con bé sẽ rơi vào cảnh mồ côi cha. Nghe con nói, trái tim chị thắt lại. Chị qua nói với vợ bé cho anh về nhà chị để chị chữa trị bệnh cho anh, vì chị từng học Đông y. Tuy nhiên người phụ nữ đó từ chối, không cho anh về vì sợ chị lấy hết tiền lương của anh. Mỗi tháng anh kiếm được 12 triệu đồng, cô ta đều gom sạch, chỉ để lại cho anh tiền ăn sáng.
Ngày chồng cũ nhập viện, chị D vào bệnh viện thăm nhưng người phụ nữ kia liên tục chửi bới chị. Các bệnh nhân chung phòng bệnh đều nghĩ rằng chị D là vợ bé. Mỗi khi thăm bệnh, chị đều cầm theo bản sao của giấy kết hôn, cùng một tờ đơn ly hôn để chứng minh chị là vợ lớn, có 2 con trai với 1 con gái cùng chồng cũ.
Khi ấy bụng anh sưng phồng lên rất to, chị khóc và hỏi anh tâm nguyện cuối cùng. “Ngày hai người cưới nhau, có nói là khi qua đời, anh mong được chôn chứ đừng thiêu. Tôi muốn làm tâm nguyện của anh. Tôi biết chồng khó qua khỏi, muốn anh ấy sống vui vẻ, khuyên các con đừng cự nự ba và nín nhịn, không gây hấn với vợ bé của ba. Điều trị một thời gian, anh ấy khỏe hơn và được cho về nhà, nhưng hôm sau người phụ nữ kia đưa anh đến chùa. Cô ấy nói với trụ trì anh là người vô gia cư, không vợ con, không nhà cửa, xin cho anh ấy ở nhờ tại chùa. Nghe như vậy, anh tức tối đập vào lồng ngực và chết ngay lúc đó. Nếu như ngày đó anh về quỳ gối xin tôi tha thứ thì cũng đâu đến nỗi”, chị D bật khóc kể lại.
Lắng nghe toàn bộ câu chuyện của chị D, tiến sĩ Tô Nhi A rơi nước mắt: “Xem như duyên phần ở kiếp này của anh chị đã xong. Những đau lòng là nghiệp quả của hai người, chúng ta buộc phải trả trong kiếp người này. Điều giữ chân chúng ta ở lại với chương trình Người thứ 3 mỗi tuần, không đơn thuần là những câu chuyện tình cảm vợ chồng, với một người mới xuất hiện khiến chúng ta tan vỡ hôn nhân. Nhân nghĩa, đạo vợ chồng, đạo làm người, sống biết trước biết sau, gieo gì gặt đó, mọi thứ nó nằm trong cuộc hôn nhân của chúng ta. Sau bao nhiêu năm chịu đựng, trong một cuộc hôn nhân nhiều mệt mỏi, chị D dù bị phản bội, cay đắng rời khỏi chồng và tiễn anh ấy về với cát bụi, chúng ta hiểu được nhân quả ở đời, nghĩa nhân giữa người với người. Tôi lại nhớ đến câu hát “Thấy người xưa kia gặp không may. Thương lòng chị Hai trào nước mắt”, đây là một bài học để nhắc nhở chúng ta sống tốt, sống trọn đạo nghĩa để không gặp “quả báo nhãn tiền”. Câu chuyện ngày hôm nay đủ cảnh tỉnh một số người nhận ra những thứ họ không giữ, “có không giữ mất đừng tìm” và khi muốn tìm mọi thứ đã quá muộn màng”.
“Người thứ 3 được phát sóng định kì vào lúc 20:00 thứ ba hàng tuần trên kênh YouTube Jet TV Show và App Jtivi.