Ở tuổi 87 “gần đất xa trời”, hàng ngày cụ Tèo vẫn bê thúng kẹo ú ngược xuôi khắp thị xã Buôn Hồ để mưu sinh. Cụ Tèo chia sẻ “Cái gì bà cũng tự làm hết á. Cái lương tâm của bà, bà phải làm cho sạch sẽ chứ mình để người ta làm là dơ lắm con”. Bên cạnh đó, chứng kiến cảnh căn nhà mưa dột và công việc vất vả, chương trình Tiếng Rao 4.0 đã hỗ trợ xây nhà mới cho cụ Tèo.
Tuần này, Color Man cùng ekip Tiếng Rao 4.0 đã vượt hơn 300km về Đăk Lăk để gặp gỡ cụ bà Nguyễn Thị Năm. Hay còn được mọi người gọi thân thương bằng cái tên cụ Tèo, cụ năm nay đã 87 tuổi, cụ được mệnh danh là “huyền thoại” làm kẹo ú lâu đời nhất Thị xã Buôn Hồ với hơn nửa thế kỷ làm và bán kẹo ú. Kẹo ú – thức quà ăn vặt của những thế hệ trước nhưng tới nay, dường như đã vắng bóng.
Ghé thăm cụ vào một buổi chiều mưa, trước mắt chúng tôi là hình ảnh một cụ bà tóc bạc trắng, dáng người nhỏ bé đang ngồi thổi lửa và khuấy nồi nước đường trong căn bếp tối và trời mưa liên tục khiến căn bếp nền đất trở nên trơn trượt. Căn bếp tối om được chắp vá bằng những miếng tôn cũ hoen gỉ, thủng lỗ chỗ, ngày mưa thì dột, nắng thì nóng nực. Căn nhà ấy đã cùng cụ trải qua mấy chục năm mưa gió.
Để nấu được một mẻ kẹo ú thủ công phải trải qua rất nhiều công đoạn. Từ chiều, cụ Tèo đã lọ mọ nhóm bếp, thổi lửa để nấu nước đường. Công đoạn này đòi hỏi người nấu phải đảo liên tục, đều tay để đường không bị cháy, lửa không được quá lớn. Để đạt chuẩn, nước đường phải keo lại, mềm và có màu nâu đẹp mắt. Chỉ với việc nấu nước đường cũng đã mất hơn một giờ đồng hồ. Khối kẹo sau khi nguội được cụ Tèo vắt lên một cây cột gỗ đen bóng và dùng hết sức lực để đánh, tới khi khối đường màu nâu chuyển sang vàng nhạt và vẫn giữ được sự dẻo dai thì mới thôi. Kẹo vừa đạt tới độ dẻo thì được trải mỏng và cho thêm lạc, mè, sau đó cuộn lại và bắt đầu kéo. Hình ảnh bà cụ tóc sáng lấp lánh, khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, đôi tay gầy guộc đều đặn kéo kẹo khiến căn bếp như tỏa sáng. Với cụ Tèo, sự vui thích của mọi người chính là niềm vui của cụ – người thợ thủ công dành cả cuộc đời, dồn hết tâm huyết vào những mẻ kẹo.
Cụ tâm sự ngày trước một mình cụ có thể nấu 10kg nhưng nay tuổi đã cao cụ chỉ có thể làm 3 kg đường. Bắt đầu làm kẹo từ rất lâu nhưng cũng một mình cụ mày mò, học hỏi chứ không được ai hướng dẫn. Ấy thế mà đã hơn 50 năm trôi qua hương vị từ kẹo ú của cụ không ai có thể bắt chước được. Bộc bạch về công việc của mình, cụ Tèo chia sẻ “Tự bà, cái gì bà cũng tự làm hết á. Cái lương tâm của bà, bà phải làm cho sạch sẽ chứ mình để người ta làm là dơ lắm con”. Chính vì vậy, những mâm kẹo ú của cụ Tèo đã trở thành món kẹo yêu thích nhất, món kẹo tuổi thơ của không ít người tại thị xã Buôn Hồ.
Cụ Tèo đông con nhưng người con nào cũng vất vả, dù ở sát bên nhưng phần vì thương con, phần không muốn phiền tới con cái nên cụ Tèo vẫn giữ cái nghề để mưu sinh qua ngày. Có lẽ trong cái nhìn của người đời, và cả chính chúng tôi trước khi được nghe cụ kể chuyện đều cho rằng công việc của cụ là vất vả là cực nhọc nhưng hóa ra đối với cụ “Mình đi bán cho có hơi người. Đi bán để thư thái con người chứ ở nhà nó buồn.”. Cụ Tèo chia sẻ thêm “Không có kẹo của bà thì lũ trẻ con buồn thiu. Có kẹo nó ăn nó mới vui đó”. Với cụ Tèo được làm việc chính là niềm vui, niềm hạnh phúc của tuổi già bởi thế lúc nào nụ cười cũng hiện hữu trên gương mặt cụ. Nụ cười ấy là nụ cười của sự lạc quan, của sự vui vẻ yêu đời.
Đón xem tập 10 Tiếng Rao 4.0 sẽ được phát sóng vào lúc 20g25 Thứ 6 ngày 25/12/2020 trên kênh HTV7. Tiếng Rao 4.0 – để tình yêu thương lan tỏa.