Có nên sử dụng chung thiết bị công nghệ với trẻ?

Mr Ti

Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Có nên sử dụng chung thiết bị công nghệ với trẻ?, tiết kiệm tiền ở người trẻ, biến chán nản thành hứng khởi, dạy trẻ cảm ơn khi nhận quà.

Vì lo ngại những ảnh hưởng nhất định của thiết bị điện tử đến với trẻ, nhưng cũng không thể cấm trẻ tiếp xúc với công nghệ, vì một số hoạt động học tập giải trí, cần sự kết nối của điện thoại, máy tính và mạng xã hội, nên các bậc cha mẹ quyết định sử dụng điện thoại chung với con. Tuy nhiên điều này đã tạo nên cảm giác kiểm soát quá mức khiến cho trẻ bị áp lực, tạo nên một số ảnh hưởng không tốt. Vậy thì đâu là cách giải quyết hợp lý vấn đề này trong cuộc sống hàng ngày.

Chị Tạ Như Sương (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: “Bé nhà tôi học lớp 6, thường các hoạt động bài tập của bé làm trên điện thoại và thông qua mạng xã hội, nhưng tôi cũng không yên tâm để bé có điện thoại riêng, nên tôi vẫn cho bé sử dụng điện thoại chung với cha mẹ”.

Anh Hà Văn Duy (Quận 3, TP.HCM) cho biết: “Độ tuổi hiện tại của các con tiếp xúc với điện thoại là quá sớm, tôi lo lắng cho các con sao nhãng việc học, bởi vậy tôi cho các con sử dụng chung điện thoại với mình, để tôi có thể kiểm tra thời gian hiệu quả hơn”.

Nỗi lo của cha mẹ là đúng, khi con cái chưa có khả năng nhận diện những nguy hiểm trên không gian mạng, và việc con cái tạm thời dùng chung máy tính, điện thoại với ba mẹ cũng được khuyến khích ở trẻ dưới cấp 2. Tuy nhiên ở những độ tuổi lớn hơn, khi bắt đầu có những sở thích riêng, những mối quan hệ bạn bè riêng, cần không gian riêng tư và muốn tự do khám phá, nếu mà phải dùng chung các thiết bị công nghệ và chịu sự giám sát của cha mẹ có thể khiến trẻ có cảm giác bị kiểm soát quá mức, áp lực, có thể khiến trẻ có những phản ứng tiêu cực.

ThS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, chuyên gia Tâm lý cho biết: “Thường thì con trẻ khi bị kiểm soát từ phía ba mẹ hoặc biết ba mẹ đang dõi mình, thì con trẻ sẽ tìm cách giấu diếm, hoặc tìm cách ngăn chặn hành vi theo dõi của ba mẹ, thì bỗng nhiên ngay lập tức mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên xa cách và con trẻ cũng không muốn chia sẻ cảm xúc và sự quan tâm của mình đối với ba mẹ nữa. Điều đầu tiên là mình phải hướng dẫn con trẻ hiểu được những nguy hiểm, cũng như những lợi ích của thế giới công nghệ và mạng xã hội mang lại, một khi con trẻ có đầy đủ sự nhận biết như vậy thì chúng ta dễ dàng tự tin cho con trẻ và chủ động được sử dụng những thiết bị”.

Và trong bối cảnh về tội phạm công nghệ gia tăng, thì một khía cạnh khác trong câu chuyện này cũng cần được quan tâm. Đó là làm sao đảm bảo an toàn khi sử dụng các thiết bị công nghệ. Bởi vì, thực tế vẫn có vấn đề rủi ro về an ninh mạng xảy ra, kể cả khi ba mẹ dùng chung hay dùng riêng thiết bị công nghệ với con trẻ.

Tiến sĩ Phạm Văn Khoa, Trưởng ngành máy tính viễn thông, Trường Đại học sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Khi trẻ em tương tác trên thiết bị di động của người lớn, thì sẽ vô tình cung cấp cho đối tượng xấu những thông tin nhạy cảm và quan trọng”.