Hồ Trung Dũng sắp ra mắt podcast với chủ đề “Trầm Cảm”

Mr Ti

Sau thành công với vai trò là huấn luyện viên của chương trình Trời sinh một cặp, ca sĩ Hồ Trung Dũng tiếp tục chăm chỉ hoạt động nghệ thuật khi cho ra mắt chuỗi podcast với chủ đề sức khỏe tinh thần đang được rất nhiều các bạn trẻ quan tâm.

Với vị trí Huấn luyện viên của chương trình Trời sinh một cặp, Hồ Trung Dũng đã xuất sắc dẫn dắt 2 thí sinh của đội: Mario Thành Tâm, Quỳnh Lương tiến thẳng vào đêm chung kết. Đây cũng là vị đội trưởng duy nhất có đến tận 2 thí sinh tham gia vòng chung kết của chương trình. Mario Thành Tâm đạt vị trí top 3 và Quỳnh Lương đạt vị trí top 4. Sau chương trình nam ca sĩ sẽ cho ra mắt chuỗi podcast với chủ đề xoay quanh chăm sóc sức khỏe tinh thần như món quà tri ân dành tặng quý vị khán giả.

Sau thời gian dài đồng hành cùng các thành viên đội mình ở chương trình Trời sinh một cặp đã có rất nhiều kỷ niệm, khi trở lại cuộc sống bình thường anh có cảm xúc như thế nào?

Sau khi vừa quay xong tất cả mọi người đều không tin được mình đã hoàn thành show rồi, không còn gặp nhau để luyện tập nữa. Dũng rất là vui khi được tham gia mùa 7 cùng các thí sinh, các huấn luyện viên của cả 3 đội đều rất hòa đồng, thân thiện. Ở hậu trường mọi người rất quan tâm, chăm sóc lẫn nhau nên không thí sinh nào có cảm giác mình đang cạnh tranh với người kia. Các huấn luyện viên đều có thể góp ý cho các thí sinh của đội khác để cùng nhau tiến bộ hơn. Chương trình cũng là nơi để Dũng gặp những bạn đồng nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau, để có thể trao cho họ kiến thức mình đã được học hỏi từ hơn mười năm đi hát. Vì thế Dũng rất là nhớ khoảng thời gian tham gia chương trình

Điều gì ở Mario mà anh Dũng quyết định chọn về đội của mình?

Trong chương trình Huấn luyện viên không phải là người quyết định thí sinh nào sẽ về đội mà do Giám khảo Huy Tuấn. Tuy nhiên các Huấn luyện viên sẽ có quyền đấu tranh để giành thích sinh mà mình yêu thích. Với Dũng, việc lựa chọn một thí sinh nào về đội thì mình phải biết được bản thân có thể mang lại điều gì cho thí sinh. Khi cả hai kết hợp sẽ khai thác được những ưu điểm và cái hay của nhau để giúp nhau phát triển lên những phiên bản tốt hơn.

Những khó khăn hay kỉ niệm đáng nhớ nào khi training Mario trong chương trình?

Với kỷ niệm thì mỗi buổi tập sẽ có những kỷ niệm riêng, anh nghĩ rằng ít bao giờ trong nghề hát mà anh có cơ hội để học được sự kiên nhẫn đến vậy. Ngoài việc rèn luyện cho các bạn về kỹ thuật ca hát thì Dũng phải hiểu thêm bên trong con người của các bạn để kết nối với các bạn dễ hơn qua đó với mỗi thí sinh sẽ có những phong cách kết hợp khác nhau. Dũng nhớ đêm thi cuối cùng anh Tuấn có nhận xét “Dũng đã làm được cho Mario thêm cái thẩm mỹ về âm nhạc”.

Hồ Trung Dũng là đội có nhiều thí sinh tham gia chung kết nhất nhưng thí sinh chỉ dừng lại ở top 3 và top 4 anh Dũng có suy nghĩ gì về kết quả này?

Xét về khả năng âm nhạc từ ngày đầu tiên thì đội Dũng là đội yếu nhất vì thế Dũng đã chuẩn bị tâm lý rất có thể các bạn sẽ bị loại sớm hơn đội khác. Mình sẽ cố gắng hỗ trợ tốt nhất trong thời gian các bạn ở lại với mình. Ở vòng bán kết và chung kết, đội Dũng đều chiếm ưu thế là có nhiều thí sinh nhất đó là kỳ tích của đội trong suốt quá trình thi đấu. Cho nên xét về những gì mà đội có được từ chương trình đó là niềm tự hào rất lớn. Thành tích của thí sinh Dũng nghĩ, các bạn bây giờ đã vượt qua những người đi học hát và quan trọng là đã có được vị trí trong lòng khán giả.

Drama là một trong những yếu tố không thể thiếu trong các chương trình thực tế, theo anh Dũng thì yếu tố này sẽ ảnh hưởng gì đến hình ảnh cá nhân của nghệ sĩ khi tham gia chương trình?

Dĩ nhiên chương trình thực tế việc sử dụng drama sẽ mang lại độ hot cho chương trình đó. Dũng cũng thấy ở các chương trình thực tế ở Việt Nam những drama đôi lúc được cố tình để tạo ra gây thu hút khán giả. Đối với người nghệ sĩ anh nghĩ đó là quyết định của mỗi cá nhân. Về chương trình Trời sinh một cặp nó không có nhiều drama, anh rất thích ekip làm việc của chương trình, họ rất tôn trọng quá trình làm việc thật của mọi người. Chương trình tồn tại đến mùa thứ 7 đã là một minh chứng rằng chương trình không cố tình tạo nên những drama nhưng chính vì những câu chuyện rất ‘đời’ của các thí sinh, những khó khăn thật đã thu hút được mọi người xem chương trình.

Được biết những dự định sắp tới của anh Dũng sẽ ra mắt Podcast liên quan đến chủ đề trầm cảm, anh có thể chia sẻ thêm tại sao anh lại chọn chủ đề này và vào thời điểm này?

Dũng vừa bước qua cột mốc đặc biệt của cuộc đời. Thời gian này, Dũng suy nghĩ thêm về những dự định sắp tới. Về âm nhạc mình đã có thành tựu nhất định. Lúc trước mình có cảm giác mình chỉ làm cho chính mình mà thôi, đến thời điểm này mình muốn làm thêm một điều gì đó cho mọi người không chỉ riêng mình. Việc khiến Dũng hạnh phúc ngoài việc đi hát đó là chia sẻ, kết nối về mặt  tâm lý với người khác. Đó cũng là một phần trong khía cạnh âm nhạc của Dũng thay vì mình hát cho mọi người nghe bây giờ mình sẽ chia sẻ thẳng. Với chương trình này nói chính về chủ đề trầm cảm cũng không đúng, Dũng sẽ bóc tách về việc trầm cảm một cách nhẹ nhàng để hy vọng thông qua đó mọi người sẽ thấy hạnh phúc trong cuộc sống của mình.

Khi hoạt động nghệ thuật thì sức khoẻ tâm lý của người nghệ sĩ quan trọng thế nào?

Nếu có ai hỏi Dũng điều khó nhất đối với nghề đi hát của mình là gì Dũng sẽ trả lời ngay đó là tâm lý của chính mình chứ không phải sự cạnh tranh khốc liệt trong showbiz. Sống trong nghề này Dũng nghĩ phải có độ lì, vững chãi. Phải có khả năng tự điều tiết để hạn chế rơi vào trạng thái trầm cảm.

Trong suốt quá trình làm nghệ thuật sẽ đôi lúc gặp khó khăn làm sao để anh có thể cân bằng giữa cảm xúc để hoạt động nghệ thuật một cách tốt nhất?

Dũng chưa bao giờ có cảm giác bị hỗn độn cảm xúc khi làm nghề. Với Dũng làm nghề đó là sự may mắn vì mình được trải nghiệm nhiều loại cảm xúc khác nhau. Mỗi bài hát người nghệ sĩ sẽ có được đặt quyền đặt mình trong cảm xúc của lời hát để cảm nhận và phải có khả năng thoát khỏi cảm xúc đó khi kết thúc trình diễn. Đôi lúc mình mất sự cân bằng về cảm xúc Dũng sẽ tìm những người bạn thân để chia sẻ.

Với những bạn trẻ đang còn chông chênh trong đội tuổi trưởng thành và kể cả những người đi làm họ vẫn còn đang hỗn độn với những guồng quay cuộc sống thì anh có lời khuyên gì dành cho mọi người?

Với chương trình sắp tới của Dũng đây không phải là nơi để chia sẻ giải pháp trong câu chuyện mình kể mà để mọi người nhận ra rằng mình không phải là người duy nhất gặp phải vấn đề này. Đó là một phần tất yếu của quá trình trưởng thành vì thế mình đừng làm khó bản thân hay khắt khe với chính mình, cho phép chúng ta có những đoạn “hỗn độn” để hiểu hơn, trải nghiệm, chấp nhận và bao dung cho bản thân. Dũng hy vọng những câu chuyện hay khách mời sắp tới trong chương trình sẽ cho mọi người thấy nhiều góc nhìn hơn về cách ứng xử khi gặp vấn đề hoang mang.