Tuần này, Lời Cảnh Báo tiếp tục cập nhật những vấn đề được quan tâm trong thời gian gần đây như: Hệ lụy từ việc “chạy tương tác” trên mạng xã hội, Hiểm họa từ tiêm mật gấu chữa đau xương khớp.
Tăng lượt thích, theo dõi, bình luận là hình thức phổ biến hiện nay trên mạng xã hội, nhiều người dùng còn bỏ số tiền lớn chạy tương tác nhầm khẳng định bản thân trên mạng xã hội. Nhưng việc làm này đem lại nhiều nguy hại về bảo mật tài khoản, tạo cơ hội cho các đối tượng xấu trục lợi và lừa đảo, không ít người dùng đã trở thành nạn nhân.
Đang mong muốn sở hữu trang Facebook có lượt tương tác cao, thuận lợi cho công việc làm ăn nên khi nhìn thấy bài viết mời chạy tương tác giá rẻ trên mạng xã hội, chị N.T (TP.HCM) đã tìm đến dịch vụ này. Thế nhưng khi đã bỏ ra hơn 10 triệu đồng nhưng trang cá nhân của chị không có sự thay đổi gì, các đối tượng thì cao chạy xa bay. Chị N.T kể lại: “Họ bảo, họ đã có kinh nghiệm trên 10 năm, tăng 1 triệu follow chỉ với giá 5 triệu đồng và có cả tích xanh. Tôi cảm thấy giá rất rẻ so với nhiều nơi khác nên đã tin tưởng chuyển cho họ 5 triệu đồng, sau đó họ nói tài khoản Facebook tôi có vấn đề nên phải bỏ thêm 5 triệu đồng để giải quyết nên tôi đã liên hệ với họ, lúc này họ đã cắt tất cả liên lạc với tôi”.
Anh L.Đ (Lâm Đồng) cũng đã bị lừa khi sử dụng dịch vụ chạy tương tác trên mạng. Do chỉ giao dịch trực tuyến nên khi các đối tượng biến mất không dấu vết anh cũng không có cách để lấy lại tiền. Anh Đ. cho biết: “Hiện tại tôi đang kinh doanh online nhưng lượt tương tác của website và mạng xã hội rất ít, nên tôi có lên mạng tìm một số dịch vụ quảng cáo. Sau quá trình khi trao đổi tôi cảm thấy không có hiệu quả nên tôi đã nhắn tin để hỏi nhưng không liên lạc được”.
Gần đây, xuất hiện nhiều đối tượng tự xưng mình là đối tác của các trang mạng xã hội, thực chất đây là những bẫy lừa đảo bởi đây là hành động vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của các mạng xã hội và có thể bị các đơn vị chủ quản khóa tài khoản. Khi cung cấp thông đăng nhập cho bên thứ ba đồng nghĩa với việc người dùng đã tiết lộ mật khẩu đăng nhập vào tài khoản của mình dẫn tới những hậu quả khôn lường. Bên cạnh việc mua danh tiếng ảo trên mạng xã hội có thể phá vỡ niềm tin từ bạn bè, khách hàng bởi sự tương tác ảo này có thể biến mất bất cứ lúc nào.
Thạc sĩ Lê Tấn Phước (Nguyên Trưởng khoa CNTT, Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin TP.HCM) khuyến nghị người dân: “Khi chúng ta thực hiện hack like, tương tác chéo thì vô tình chúng ta truy cập vô những trang mà không được kiểm soát rõ nội dung hoặc những trang có mã độc hại. Các đối tượng có thể dùng những tài khoản trắng để tạo tương tác ảo. Cộng với việc những khách hàng không có thật sẽ dẫn đến việc truyền thông điệp đến khách hàng không có ý nghĩa”.
Để tránh bị lừa đảo, người dùng mạng xã hội không nên tìm cách chạy tương tác ảo mà nên xây dựng trang cá nhân một cách nghiêm túc. Tuyệt đối không chuyển tiền cho bất cứ ai khi không có thông tin rõ ràng, không cung cấp tên đăng nhập mật khẩu OTP cho người lạ. Từ đó hạn chế những thiệt hại không đáng có.